Bản Cát Cát – Không gian văn hóa người Mông ở Sapa

Giới thiệu chung bản Cát Cát

Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sa Pa là một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, cách 376 km từ Hà Nội – một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Cách Sapa khoảng 3km, bản Cát Cát (Sapa, Lào Cai) là làng dân tộc người Mông, nằm bình yên bên thác nước Cát Cát (thác Tiên Sa) trong thung lũng ngay chân núi Hoàng Liên Sơn với ba bề là núi non hùng vĩ. Đến với bản Cát Cát, khách du lịch sẽ được tìm hiểu văn hóa người dân tộc gắn với thiên nhiên hoang sơ, đây là một địa chỉ thích hợp cho những khách du lịch đã mệt mỏi với đời sống đô thị.

 

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát

Con đường đến bản Cát Cát khá đẹp, bạn sẽ đi qua những đoạn đường cua tay áo uốn lượn, hai bên là những thửa ruộng bậc thang và những ngôi nhà lấp ló. Khi đi bộ xuống Cát Cát, qua đoạn đường dốc lát bê tông sẽ tới những bậc thang lát đá. Tiếp tục đi qua cây cầu Si là tới trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của 3 dòng suối: suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc.

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát

 

Bản Cát Cát

Bản Cát Cát

 

Kiến trúc nhà cửa

Được hình thành từ giữa thế kỷ 19, bản Cát Cát gồm nhiều gia đình dân tộc người Mông, sống dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau và họ trồng trọt ngay trên những sườn đồi đó.

Những ngôi nhà nhỏ nhắn bản Cát Cát

Những ngôi nhà nhỏ nhắn bản Cát Cát

Đến thăm bản, những cư dân thành phố hẵn sẽ thấy lạ lẫm với những ngôi nhà ba gian lợp ván gỗ thường được gọi là  “Nhà Trình Tường”, bên trong không gian nhà khá đơn giản với nơi thờ cúng, có sàn gác lương thực để dự trữ qua mùa lạnh, nơi ngủ, bếp và nơi tiếp khách…. Thường nhà có 3 cửa ra vào với cửa chính ở gian giữa.

Thăm nhà Trình Tường với kiến trúc đặc trưng của người H’mông

Thăm nhà Trình Tường với kiến trúc đặc trưng của người H’mông

Nghề thủ công

Người dân ở đây làm nghề nông, trồng lúa canh tác trên các ruộng bậc thang. Ngoài ra, dân bản còn giỏi các nghề trồng bông, lanh, dệt vải, chạm trổ bạc, chế tác trang sức. Du khách có thể tham quan trực tiếp làng nghề thủ công truyền thống trong bản.

Khách du lịch mua sắm các sản phẩm thổ cẩm của dân bản Cát Cát

Khách du lịch mua sắm các sản phẩm thổ cẩm của dân bản Cát Cát

Thổ cẩm do người Mông dệt chỉ với bốn màu chủ đạo: xanh, đỏ, trắng và vàng. Tuy vậy lại có rất nhiều hình dáng và hoa văn…với kỹ thuật nhuộm chàm lấy phẩm nhuộm từ tro và lá rừng.

Các sản phẩm chạm bạc, đồng, nhôm ở bản Cát Cát rất phong phú và được du khách ưa chuộng. Ví dụ như những trang sức như vòng cổ, vòng tay, nhẫn,…

 

Phong tục tập quán

Dân bản vẫn gìn giữ nét văn hóa đặc trưng với trang phục truyền thống của người Mông. Phụ nữ vẫn dùng tấm vải quấn quanh đầu làm khăn, áo khoác với cổ áo thêu họa tiết cổ. Thắt lưng được thêu các họa tiết cầu kỳ có tua rua 2 đầu. Váy có hình nón cụt được xếp nếp với phần mông bó chặt, thân váy xòe. Ðàn ông người vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, áo trong xẻ nách, áo khoác dài ở bên ngoài.

Chàng trai - cô gái trong trang phục truyền thống H’Mong

Chàng trai – cô gái trong trang phục truyền thống H’Mong

Dân bản vẫn lưu giữ được phong tục Kéo vợ. Trai bản nếu đem lòng yêu một cô gái, họ sẽ tổ chức làm cỗ nhờ bạn bè “kéo” cô gái về nhà và giữ cô ấy trong ba ngày. Nếu cô gái đồng ý làm vợ thì sẽ có lễ cưới nếu không họ sẽ lại là bạn bè.

Nếu du lịch vào dịp đầu năm, bạn sẽ có thể được tham dự Lễ hội Gầu tào được tổ chức để cầu phúc hoặc cầu mệnh cho những người dân bản. Ngoài ra, khách du lịch còn thấy thích thú khi được chiêm ngưỡng những điệu múa đặc trưng của đồng bào người Mông. Cùng tiếng khèn lá, tiếng sáo Mông , tiếng đàn môi, và tiếng hát dìu dặt.

Trang Trần

Nguồn ảnh: Internet