Trekking Khang Su Văn – Check-in cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam
Mặc dù là ngọn núi cao thứ 5 Việt Nam nhưng khá ít người mặn mà với hành trình trekking Khang Su Văn. Bởi ngoài nằm ở vị trí đặc thù, đây còn một nơi “khó tính”, khó chinh phục. Vậy bạn nghĩ sao khi là một trong những top đầu đặt chân tới đây cùng trải nghiệm check-in với cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam? Hãy cùng Focus Asia Travel khám phá ngay vùng đất hoang sơ và kỳ bí này qua bài viết dưới đây nhé.
Khang Su Văn ở đâu?
Khang Su Văn hay còn gọi là Phàn Liên San hay U Thái San, nằm tại xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Với độ cao 3.012m so với mực nước biển, qua bao năm, đây được coi là bức tường thành tự nhiên vững chắc, ngăn cách giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Để chinh phục trọn vẹn Khang Su Văn, bạn nên dành thời gian từ 3 – 4 ngày là hợp lý.
Nên đi Khang Su Văn vào mùa nào?
Nhờ sở hữu gia tài thiên nhiên phong phú, Khang Su Văn không thiếu gì những “đặc sản” để chiêu đãi các trekker – những người đã vất vả bỏ công bỏ sức để ghé thăm nơi này. Ngoại trừ 3 tháng mùa hè (tháng 6-8), mùa nào U Thái San cũng có một vẻ đẹp riêng. Từ tháng 2 – 4 hàng năm là mùa trăm hoa đua nở. Điển hình là các loài hoa đào, mận, ban,… tạo nên khung cảnh tuyệt diệu. Khiến những cô nàng đam mê sống ảo tốn không biết bao thời gian. Khoảng tháng 4,5 là thời gian dành riêng cho “nữ hoàng Tây Bắc” – hoa đỗ quyên độc chiếm spotlight. Cả hành trình tràn ngập hai sắc trắng và vàng bung nở khoe sắc.
Vào những tháng mùa thu, tháng 9-10, thời tiết ở Phàn Liên San rất dễ chịu. Đây là thời gian tuyệt vời để trekking nếu mục đích chính là để săn mây. Còn hai tháng 12 và 1, bạn sẽ bắt gặp những con suối đóng băng. Nếu may mắn còn có thể chứng kiến cảnh tuyết rơi rất đẹp. Tuy nhiên, đường đi lúc này rất dễ trơn trượt, hiểm nguy. Vì thế, ngay cả những bạn đã dày dặn kinh nghiệm leo núi cũng nên suy nghĩ kỹ càng.
Di chuyển đến Khang Su Văn
Chặng 1: Hà Nội – Lai Châu/Sapa
Đối với những bạn đi tự túc mà không theo tour thì có thể di chuyển bằng ô tô tự lái, xe khách hoặc xe máy. Để tiết kiệm thời gian tới điểm trekking, bạn nên dừng lại ở Lai Châu nếu đi xe máy hoặc ô tô của mình. Còn nếu đi xe khách thì có thể lựa chọn đến Sapa. Bởi đường di chuyển tới Pa Vây Sử khá dài. Nếu bạn không có phương tiện chủ động thì việc thuê xe máy ở Lai Châu hơi khó khăn, khi khá ít các cửa hàng và phải đặt cọc khá nhiều. Tuy nhiên, đổi lại đường từ Sapa tới Pa Vây Sử gấp đôi so với xuất phát từ Lai Châu. Do đó, bạn phải cân nhắc thời gian, sức khỏe và số người để quyết định di chuyển bằng gì.
Chặng 2: Lai Châu/Sapa – Pa Vây Sử
Từ Lai Châu xuất phát đến Pa Vây Sử mất gần 2 tiếng với quãng đường hơn 70km. Nếu không có phương tiện chủ động, sau khi tới bến xe thành phố, bạn có thể lên xe huyện đi đến Dào San. Từ đó còn khoảng gần 20km, thì liên hệ với porter tới đón hoặc tự thuê xe vào xã. Còn nếu di chuyển từ Sapa sẽ phải thuê xe và đi xấp xỉ 140km trong tầm 4 tiếng.
Kinh nghiệm leo Khang Su Văn 3 ngày 4 đêm
Ngày 1: Hà Nội – Lai Châu/Sapa – Dào San – Pa Vây Sử – Điểm hạ trại
Buổi sáng
Qua một giấc ngủ dài trên xe khách xuất phát từ đêm hôm trước, bạn sẽ có mặt tại Sapa vào khoảng tầm 4-5 giờ sáng. Lúc này, sau khi nghỉ ngơi và ăn sáng, bạn nên thuê xe máy để sớm tới Pa Vây Sử. Nếu không muốn đi xe máy thì hãy tham khảo lại các cách di chuyển đến nơi trekking ở mục trên nhé.
Tốt nhất khoảng 10 giờ sáng, để kịp đến nơi hạ trại trước khi trời tối, bạn phải có mặt tại điểm đã hẹn với porter. Sau khi chia đồ và làm quen với nhau, tất cả cùng khởi động hành trình bằng những bước chân vững chãi đầu tiên lên ngọn núi cao thứ 5 Việt Nam.
Buổi trưa
Quãng đường đầu tiên khá thoải mái với những cánh rừng thảo quả bạt ngàn ngập hương thơm dịu. Đi đến khoảng giữa trưa, đoàn dừng chân ở một khoảnh đất thoáng rộng để dùng bữa. Chỉ là những món đơn giản như xôi hay cơm lam muối vừng và hoa quả, mà ai cũng cảm thấy ngon tới lạ.
Buổi chiều tối
Sau khi nghỉ ngơi đôi chút, tất cả lại cất bước lên đường. Càng lên cao, không khí càng lạnh và xuất hiện nhiều sương mù. Nhưng đổi lại phong cảnh lại càng thêm đa dạng và thú vị hơn. Từ con thác cuồn cuộn nước tung bọt trắng xóa đến những rừng lá phong đỏ ngợp trời hay đồi đỗ quyên nở rộ (tùy mùa). Tất cả tạo nên bức tranh thơ mộng và yên bình, khiến cho hành trình chinh phục Khang Su Văn trở nên thi vị và bớt mệt nhọc hơn.
Tới khoảng 17 giờ, cả đoàn sẽ tới được độ cao 2.600m. Ở đây có một con suối nhỏ và mảnh đất khá bằng phẳng, rất thích hợp để hạ trại. Mỗi người trong đoàn cùng phụ giúp porter dựng lều, nhóm lửa và chuẩn bị đồ ăn. Sau một hồi bận rộn, tất cả lại quanh quần bên nhau, thưởng thức gà nướng đậm vị trong cái rét se lạnh của đất trời Tây Bắc. Đôi lúc, vài chú đom đóm lạc đàn lại bay sáp lại, như hứng thú tới xem mấy kẻ lạ mặt này đang toan tính điều gì.
Ngày 2: Điểm hạ trại – Cột mốc 79 – Đỉnh Khang Su Văn – Điểm hạ trại
Buổi sáng
Thức dậy trong tiếng hò gọi của porter, tất cả dời lều để đi vệ sinh cá nhân. Ai xong sớm lại vào phụ giúp chuẩn bị đồ ăn. Cầm ly mì tôm nóng hổi và cốc cà phê thơm lừng, mọi người nhanh chóng giải quyết bữa sáng để chuẩn bị lên đường. Quả thật không có con đường dẫn tới đỉnh cao nào mà trải toàn hoa hồng, quãng hành trình cuối khá khó khăn với những con dốc dựng đứng. Một số chỗ còn phải bám tay vào gờ đá, dựa nhờ thân cây để leo lên. Sau khoảng 1 tiếng, đoàn có mặt tại điểm check-in đáng giá – cột mốc mang số hiệu 79 ở độ cao 2.880m so với mực nước biển.
Không thể phủ nhận, một trong những yếu tố thu hút nhất ở Khang Su Văn là cột mốc 79. Trong gần 5.000 cột mốc biên giới quanh dải đất chữ “S” thân thương, đây là nơi cao nhất, mang nhiệm vụ trấn giữ quan trọng trên bức tường thành tự nhiên U Thái San.
Buổi trưa
200m độ cao nếu tính đi ngang chả tới 2 phút, ấy vậy mà để leo lên tới đỉnh Khang Su Văn, cả đoàn phải di chuyển mất tầm tiếng rưỡi. Đường đi bị cản bước bởi những gốc cổ thụ nằm ngổn ngang chắn lối. Không một ai muốn bỏ cuộc khi cái đích đang ở ngay trước mắt, tất cả vẫn cố gắng giúp đỡ nhau vượt qua cung đường gian nan này. Để tới khi lên được tới đỉnh, ai cũng vỡ òa vì cảm giác sung sướng. Tất cả tranh thủ check-in và dùng bữa tại đây trước khi lên đường quay về.
Buổi chiều tối
Quãng đường quay lại cũng không quá dễ dàng. Vì thế, bạn cũng nên chú ý cẩn thận khi di chuyển. Trời sẩm tối, đoàn dừng chân để hạ trại ngay giữa rừng thảo quả. Đoạn đường còn lại khá thoải mái nên bữa này, mọi người có thời gian trò chuyện và giao lưu với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên thức quá muộn để đảm bảo sức khỏe nhé.
Ngày 3: Điểm hạ trại rừng thảo quả – Lai Châu/Sapa
Sáng sớm cả đoàn lại gọi nhau thức dậy. Tận hưởng nốt bầu không khí trong lành và yên bình trước khi quay lại với phố thị náo nhiệt. Sau khi vệ sinh và ăn sáng, dọn đồ, tất cả lại theo chân porter trek xuống. Hành trình ngày cuối khá thong thả, đoàn vừa đi, vừa nghỉ mất khoảng 5 tiếng để xuống tới nơi. Từ đây, bạn có thể quay lại Lai Châu hoặc Sapa – điểm thuê xe ban đầu nếu bạn không đi tour leo núi Khang Su Văn. Rồi sau đấy, nghỉ ngơi, ăn trưa và lên ô tô về nhà.
Những lưu ý khi trekking Khang Su Văn
Chinh phục Khang Su Văn không hề dễ dàng. Chưa kể tới vị trí đặc thù, đường di chuyển đến núi cũng xa mà địa hình leo cũng rất khó. Vì thế, khác với những núi khác có thể chỉ cần thuê porter thì lần này bạn nên đi theo tour chinh phục Khang Su Văn. Vừa không mất công tự di chuyển, vừa được lo từ A-Z các thủ tục giấy phép, ăn uống, chỗ ngủ, porter,… mà chi phí so với tự túc cũng không quá chênh lệch. Ngoài ra, còn một số điều cần lưu ý chung khi leo núi khác. Chi tiết bạn có thể tham khảo qua bài viết tổng hợp kinh nghiệm trekking của Focus Asia Travel nhé.
Hành trình trekking Khang Su Văn sẽ dễ thở hơn nếu bạn có sự chuẩn bị kỹ càng. Mong rằng qua những thông tin chia sẻ ở trên, sẽ giúp bạn phần nào trong việc lập kế hoạch chinh phục ngọn núi này. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline: 078 2323 879 nếu có bất kì thắc mắc nào nhé. Cuối cùng, Focus Asia Travel xin được chúc bạn có một chuyến đi an toàn, vui vẻ và ý nghĩa.