Tiềm năng phát triển của xu hướng mới “Du lịch thể thao”

Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) định nghĩa Du lịch Thể thao (Sports Toursim) là loại hình liên quan một cách chủ động hoặc thụ động đến trải nghiệm du lịch khi du khách tham gia hoặc quan sát một sự kiện thể thao mang tính cạnh tranh, được tổ chức tại một địa điểm cụ thể nào đó.

Một số ví dụ điển hình về du lịch thể thao chính là du khách khắp thế giới đến theo dõi World Cup, Olympic, các giải quần vợt như Wimbledon, Mỹ Mở rộng…, giải đua công thức một hay các giải chạy marathon, một chuyến trekking, tham gia các lớp học yoga… Bên cạnh đó, hoạt động này còn gồm các chuyến thăm hoài niệm đến những địa điểm có tầm quan trọng lịch sử. Ví dụ như ghé Barcelona, Tây Ban Nha để thăm sân Camp Nou hay tới Paris, Pháp để ghé sân Stade de France…

Sức hút của du lịch thể thao

Du lịch kết hợp thể thao thường mang lại khoản doanh thu khổng lồ, góp phần quảng bá hình ảnh mỗi quốc gia. Theo báo cáo của tổ chức SportBusiness Group (Anh), du lịch thể thao là một trong những phân khúc phát triển mạnh mẽ nhất của ngành du lịch. Ở một số quốc gia, các sự kiện thể thao đã mang lại khoảng gần 30% tổng nguồn thu của ngành này.

Sức hấp dẫn của du lịch thể thao đó là không bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như văn hóa, giới tính hay trình độ. Thị trường của loại hình này cũng hướng tới mọi đối tượng. Điều này đã giúp việc tổ chức du lịch kết hợp với thể thao mang lại những trải nghiệm mới cho du khách, nâng cao chất lượng chuyến đi và hơn thế là tăng cường nhận diện thương hiệu địa phương.

Đặc biệt loại hình du lịch thể thao này sẽ vô cùng thu hút những tín đồ yêu thích thể thao, khám phá khi họ vừa có thể trải nghiệm vùng đất mới vừa luyện tập, rèn luyện sức khỏe.

Giờ đây khái niệm du lịch không chỉ bó buộc trong kỳ nghỉ dưỡng, tham quan bình thường mà còn kết hợp với khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa vùng miền thông qua nhiều hoạt động như leo núi, chạy bộ,…

Các loại hình du lịch thể thao tại Việt Nam

Chạy marathon

Tại Việt Nam, hình thức du lịch thể thao được biết đến nhiều nhất là marathon, với nhiều cuộc thi lớn được tổ chức chuyên nghiệp theo hàng năm, thoả mãn đam mê của những tín đồ du lịch và đem lại nguồn lợi nhuận cho ngành du lịch địa phương. Trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng giải chạy marathon tổ chức tại Việt Nam tăng nhanh, được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước, từ vùng núi tới miền biển, từ thành thị tới bản làng thu hút đông đảo các VĐV trong nước và quốc tế, chuyên nghiệp và không chuyên tham dự.

Trong đó có thể kể đến Vietnam Mountain Marathon – Cuộc thi chạy marathon đường núi lớn nhất Việt Nam, thu hút hàng nghìn người trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm. Người tham gia sẽ chạy qua các thửa ruộng bậc thang chín vàng, xuyên qua các bản làng của các dân tộc Tày, Dao Đỏ, Giáy và Hmong sinh sống. VnExpress International Marathon được tổ chức trên những cung đường chạy đẹp nhất Việt Nam, đi qua những địa danh nổi tiếng ở Quy Nhơn như Kỳ Co, Eo Gió, Hòn Khô, Ghềnh Ráng – Tiên Sa, Huế. Và còn nhiều giải chạy khác như Hạ Long Heritage Marathon, Đà Lạt Ultra TrailGiải Marathon Quốc tế Hội An…đang làm nên sức hút vô cùng mới mẻ cho mỗi điểm đến.

Cuộc thi ba môn phối hợp

Ba môn phối hợp là sự kết hợp của 3 bộ môn thể thao: chạy bộ, bơi và đua xe đạp. Bắt đầu một cuộc thi triathlon, vận động viên đua bơi lội, tiếp theo là đua xe đạp tới đường chạy, cuối cùng chạy marathon về đích. Tùy thuộc vào trình độ của thí sinh, tân binh hay chuyên nghiệp, cuộc thi triathlon được chia ra nhiều loại khác nhau dựa trên quãng đường đua.

IRONMAN 70.3 là cuộc thi ba môn phối hợp thuộc tầm cỡ quốc tế được chức tại Đà Nẵng. Để tham dự các cuộc thi này, các vận động viên phải bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy 21,1km. Dự kiến cuộc thi năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 9 tháng 5 tại Đà Nẵng.

Trekking

Trekking là một hình thức đi bộ đường dài, thường là băng qua rừng núi để khám phá những cung đường tuyệt đẹp bằng chính đôi chân của mình. Trekking dần phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây và thu hút số đông người tham gia.

Thời gian của mỗi chuyến trekking cũng khác nhau, tuỳ theo thể chất mà bạn có thể chọn chuyến đi 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm hay nhiều hơn thế. Trong đó, cái tên đứng đầu danh sách những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam không ai khác chính là cung Tà Năng- Phan Dũng. Đây là cung đường đi bộ dài hơn 50km bắt đầu từ xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng và kết thúc tại xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với nhiều ngọn đồi, thảo nguyên xanh mướt màu cỏ.

Bên cạnh đó, cũng có những cung đường trekking ít vất vả hơn nhưng không hề kém cạnh về cảnh sắc mà bạn có thể tham khảo vào mùa hè này là trekking ở núi Bà Đen, vườn quốc gia Bidoup, Bạch Mộc Lương Tử, Lảo Thần – Y Tý,…

Lưu ý để có thể hoàn thành được những cung đường trekking, bạn cần phải rèn luyện sức khoẻ thật tốt trước đó, đồng thời phải tuyệt đối phải tuân theo hướng dẫn của người dẫn đoàn bởi địa hình núi rừng rất hiểm hóc nguy hiểm nhé.

Chèo thuyền Kayak

Kayak là bộ môn thể thao dưới nước, sử dụng thuyền nhỏ và mái chèo 2 cánh để di chuyển. Thuyền kayak có nhiều kích cỡ và chủng loại khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng nhưng phần lớn có 1 – 2 chỗ ngồi và boong che kín chân.

Là bộ môn thể thao rèn luyện thể lực, sức chịu đựng, kayak trở thành một bộ môn thể thao phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây, để phục vụ du lịch, tham quan sông, hồ, biển. Đối với những bạn ưa mạo hiểm thì chèo thuyền kayak vượt ghềnh đá, thác nước là một trải nghiệm thử thách và đầy thú vị. Còn với những ai du lịch nghỉ dưỡng thì cũng có thể kết hợp đi thuyền kayak ở biển, hồ để vận động nhẹ nhàng và thư giãn đầu óc.

Với địa hình đa dạng và thiên nhiên phong phú, trải dài trên đất nước Việt Nam không khó để tìm được những địa điểm hấp dẫn và lý tưởng cho kayak. Vịnh Hạ Long, Vịnh Lan Hạ (Quảng Ninh), động Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), sông Hàn (Đà Nẵng), Hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Dinh (Ninh Thuận), Bãi Sao (Phú Quốc – Kiên Giang)… sẽ là những lựa chọn tuyệt vời dành cho bạn trong mùa hè này.

Lướt ván

Việt Nam có rất nhiều bãi biển đủ hình dạng và kích thước trải dài trên hơn 3.000 km đường bờ biển. Cùng với thời tiết nhiệt đới ôn hòa, nhiều vùng biển thu hút rất nhiều khách hàng năm. Bên cạnh khung cảnh tuyệt đẹp, những con sóng cao ngất là thách thức hấp dẫn các tín đồ yêu thích lướt ván tìm đến các địa điểm này. Những loại lướt ván phổ biến ở Việt Nam gồm có lướt sóng, lướt ván có mái chèo, lướt ván buồm, lướt ván diều và lướt ván bằng cano kéo.

Lướt sóng là một trong những hình thức lướt ván không sử dụng bất kỳ dụng cụ hỗ trợ nào ngoài ván lướt. Đây là môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật nên những người chơi lướt sóng chủ yếu là các vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu muốn thử cảm giác đi trên đầu sóng, biển Đà Nẵng là một nơi tuyệt vời dành cho những người lướt sóng lần đầu.

Phổ biến nhất hiện nay là lướt ván có mái chèo. So với lướt sóng thì lướt ván có mái chèo có phần đơn giản và dễ chơi hơn. Một người chơi mới hoàn toàn có thể làm chủ được ván lướt có mái chèo chỉ sau vài giờ luyện tập. Bạn có thể dễ dàng chơi bộ môn này ở sông, hồ hay biển.

Với bộ môn lướt ván buồm, người chơi sử dụng ván có gắn cánh buồm nhờ lực đẩy của gió để lướt trên mặt biển. Để có thể làm chủ được cánh buồm, buộc người chơi phải có thời gian rèn luyện. Người chơi lướt ván buồm khá đa dạng từ chuyên nghiệp, bán chuyên đến nghiệp dư, tùy thuộc vào sóng và gió. Các bãi biển ở Bình Thuận, Nha Trang là những địa điểm “xôm tụ” và thuận lợi nhất cho lướt ván buồm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử cảm giác lướt cùng gió ở hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc hay đảo Cát Bà, Hải Phòng.

Sự gắn bó giữa thể thao – du lịch

Ngành công nghiệp thể thao và du lịch luôn song hành với nhau. UNWTO tin rằng du lịch và thể thao có mối quan hệ tương hỗ khi luôn có một lượng lớn du khách đổ xô đến điểm đăng cai để đi chơi, bên cạnh những người tới thi đấu.

Du lịch thể thao là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực du lịch và được coi là ngành kinh doanh lớn. Ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến các hoạt động thể thao trong chuyến đi của họ, dù thể thao có phải mục đích chính của chuyến đi hay không. Nó cũng được coi là hai động lực thúc đẩy và phát triển kinh tế bền vững của các điểm đến du lịch.

Các sự kiện thể thao lớn như Olympic và World Cup có thể là chất xúc tác cho phát triển du lịch nếu tận dụng thành công các khía cạnh xây dựng thương hiệu điểm đến, phát triển cơ sở hạ tầng, các lợi ích kinh tế và xã hội khác.

Tầm quan trọng của du lịch thể thao từng được nhấn mạnh qua các tuyên bố truyền thông chung của UNWTO và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Tuyên bố nhấn mạnh rằng cả hai lĩnh vực du lịch – thể thao là động lực mạnh mẽ để phát triển, kích thích đầu tư vào các công trình hạ tầng như sân bay, đường xá, sân vân động, khu liên hợp thể thao đến nhà hàng, khách sạn, quán ăn…

Tiềm năng phát triển du lịch thể thao của Việt Nam

Với địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi, Việt Nam có nhiều điều kiện và tiềm năng để tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch. Riêng ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc, những cung đường đèo uốn lượn hay hẻm núi hùng vĩ đã thu hút nhiều tín đồ du lịch thể thao mạo hiểm. Một số địa danh nổi bật có thể kể đến như Fansipan (Lào Cai) cao 3.143m, Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu) cao 3.045m, Tà Xùa (Sơn La) cao 2.865m,…

Ngoài ra tại một số địa điểm, các hoạt động thể thao như chạy bộ, đua xe đạp địa hình, dù lượn đã được đầu tư tổ chức như đường đèo Mã Pì Lèng, dốc 9 khoanh cua M (Hà Giang), đèo Khâu Phạ (Yên Bái) hay Ô Quy Hồ (Lai Châu). Bên cạnh đó địa hình nhiều sông suối, thác ghềnh của Việt Nam cũng thích hợp để tổ chức các hoạt động đua thuyền, vượt thác, bơi lội.

Du lịch thể thao đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng của du lịch toàn cầu. Các sự kiện thể thao là đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch tới các địa điểm tổ chức, tạo ra tác động lớn cả về kinh tế và xã hội. Du lịch kết hợp với thể thao trên phạm vi toàn cầu đang tăng trưởng nhanh gấp hai lần mức tăng trưởng của du lịch nói chung”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định.

Bởi vậy, từ vị thế là điểm đến an toàn, lý tưởng sau thời dịch bệnh, Việt Nam cần khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực phù hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch thể thao để xúc tiến quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đầy đà phục hồi của ngành du lịch.