Tiềm ẩn nguy cơ mối mọt tại di tích phố cổ Hội An

Nguy cơ mới sau đại dịch

Ngày 30/3, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An (QLBTDSVH) thông tin, theo khảo sát đánh giá gần 800 di tích, hiện có hơn 260 ngôi nhà cổ ở phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong bị mối mọt xâm hại nặng, đến rất nặng. Trong đó có nhiều di tích được xếp loại giá trị bảo tồn từ loại ba đến đặc biệt như Chùa Cầu, Chùa Ông, nhà cổ hơn 200 năm tuổi ở 41 Nguyễn Thái Học…

Các công trình bị mối xông ở các vị trí chịu lực như cột, kèo, xiên, cấu kiện, cửa, vách, trần, sàn gỗ, hoành phi… gây hư hỏng, mất an toàn và mỹ quan. Các công trình còn lại không có nhiều dấu hiệu bị mối mọt, nhưng các kết cấu gỗ trong khả năng bị loài côn trùng này xâm hại.

Các di tích trong phố cổ Hội An có kiến trúc xây dựng chủ yếu từ gỗ. Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều ngôi nhà đóng cửa, không kinh doanh, không có người ở, kết hợp cùng môi trường ẩm thấp sau hàng loạt trận bão, lũ lụt, tạo điều kiện cho mối phát triển, biến phố cổ thành “ổ mối khổng lồ”.

Dấu hiệu mối mọt xâm nhập khó phát hiện sớm bằng mắt thường, vì chúng xâm nhập từ đất và ăn sâu vào bên trong các kết cấu gỗ, gây hư hỏng từ trong ra ngoài. Vì vậy các cơ quan chức năng chọn đơn vị tư vấn có chuyên môn, với công nghệ cao là Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình.

Du lịch Hội An trầm lắng sau Covid

Du lịch Hội An trầm lắng sau Covid

Tích cực phòng chống và trùng tu

Ông Ngọc cho biết, các đề án xử lý côn trùng hại gỗ ở các công trình Hội An không phải vấn đề mới, vì các biện pháp không thể làm một lần có tác dụng phòng chống mãi mãi. Sau khi trùng tu, các di tích còn cần được duy trì bảo dưỡng thường xuyên. Qua mỗi đợt khảo sát, những công trình bị mối xâm hại nặng sẽ được ưu tiên xử lý bằng công nghệ sinh học với thiết bị nhử mối, tạo hàng rào phòng mối và phun thuốc.

“Mối mọt xuất hiện nhiều và dày đặc là một trong những nguy cơ khiến di tích xuống cấp nhanh. Đề án xử lý côn trùng gây hại gỗ khu phố cổ đã được HĐND TP Hội An thông qua, với mục tiêu xử lý triệt để toàn bộ các tổ mối đang gây hại gỗ di tích, ngăn chặn sự tái nhiễm cũng như lây lan sang các di tích khác”, ông nói.

Từ năm 2010 – 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cùng trung tâm QLBTDSVH đã phối hợp Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình thực hiện dự án phòng trừ mối mọt. Dự án mang lại hiệu quả cao trong thời gian dài. Sau các đợt mưa lũ, thuốc diệt trừ trôi đi, khiến mối phát triển trở lại.