Tái hiện Sài Gòn những năm 90 qua mô hình
Đam mê mô hình
Sau ba năm chế tác, Nguyễn Triều Kha (quận Bình Thạnh) sở hữu gần 50 mô hình về Sài Gòn xưa, hầu hết của thập niên 1990. Hình ảnh chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, hàng quán, góc phố, nhà cửa… được Kha tái hiện sinh động.
“Sinh ra ở Sài Gòn rồi có một thời gian sống ở nước ngoài nên tôi luôn hoài niệm về quê hương. Khi về nước, tôi mày mò làm mô hình như một cách lưu lại ký ức cho mình và mọi người. Tôi chọn thập niên 90 vì đây là khoảng thời gian mình sống, có nhiều kỷ niệm nhất”, chàng thanh niên 28 tuổi cho biết.
Trong căn nhà trên đường Bình Lợi, mỗi ngày Kha cùng bạn bè chế tác các mô hình Sài Gòn xưa, vừa theo đơn đặt hàng của khách vừa theo sở thích riêng của nhóm.
Để ra một mô hình hoàn chỉnh, nhóm mất trung bình một tháng lên ý tưởng, chụp ảnh, đồ hoạ, tìm nguyên vật liệu, tạo hình và lắp ráp các chi tiết nhỏ lại với nhau. Vật liệu chủ yếu là gỗ, mây, tre, giấy, nhựa… Theo Kha, tìm được nguyên liệu phù hợp với từng chi tiết là một trong những công đoạn khó nhất.
Tái hiện hình ảnh Sài Gòn xưa
Trên kệ trưng bày hàng loạt mô hình Sài Gòn của thập niên 1990 như tiệm thuốc bắc, nhà trên kênh, tiệm thuê băng đĩa, quán phở, gánh hàng rong… Chủ nhân cho biết, những sản phẩm này không bán mà để trưng bày. Nếu khách muốn, anh sẽ làm lại mô hình tương tự.
“Để ra các mô hình sao cho giống thật nhất, nhóm ngoài tìm hình ảnh còn phải đi hỏi thêm chú bác sống vào thời đó. Chỉ cần không đúng một chi tiết nhỏ thôi cũng chưa ra sản phẩm hoàn thiện”, Kha nói.
Mô hình đầu tiên thực hiện năm 2018 là cửa hàng bán gạo với cảnh nhà tranh, vách nứa đơn sơ. Hầu hết mô hình, từ bản phác thảo đến sản phẩm cuối cùng, thường không giống hoàn toàn do ý tưởng luôn thay đổi.
Chợ Bến Thành là mô hình kỳ công nhất, được thực hiện trong hơn một tháng. Không gian chợ những năm 90 được tái hiện sinh động với những gánh hàng rong, xe nước mía, quầy giải khát, xích lô… nhộn nhịp.
Các hoạ tiết kiến trúc trên ngôi chợ trăm tuổi như phù điêu, đồng hồ, mái ngói… được chế tác cầu kỳ. “Mô hình này có khách mua với giá 35 triệu đồng nhưng tôi không bán mà làm một chợ Bến Thành khác, tương tự vậy cho họ”, Kha cho biết.
Hình ảnh thân thuộc bản thu nhỏ
Cảnh sinh hoạt, buôn bán sầm uất trên một góc phố Sài Gòn 30 năm trước được lấy ý tưởng từ khu chợ cũ trên đường Hàm Nghi (quận 1).
Mô hình chùa Bà Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) được bán với giá 19 triệu đồng. Khách đặt mua mô hình này là một cặp vợ chồng muốn ôn lại kỷ niệm ở nơi họ lần đầu gặp nhau hơn 30 năm trước.
“Tôi đã phải đi lại nhiều lần, chụp đủ các góc ảnh và hỏi han người dân ở đây để có bối cảnh xưa chân thật và khắc hoạ nét kiến trúc tinh xảo của chùa. Khó nhất là chế tác hàng tiếu tượng ở trên mái chùa”, Kha nói.
Một góc nhà thờ Đức Bà buổi tối được làm theo yêu cầu của khách, một người muốn ôn lại kỷ niệm xưa khi nhóm bạn thường gặp nhau trò chuyện ở đây.
Lĩnh vực theo đuổi mới dành cho giới trẻ
Thập niên 90, những ngôi nhà tạm bợ làm bằng tôn, gỗ thường thấy quanh các kênh, rạch ở Sài Gòn. Những căn nhà này của tầng lớp lao động nghèo, xây dựng thành hàng dài, khá lụp xụp, được gọi là “khu ổ chuột” ven kênh. Cạnh đó là mô hình tiệm thuốc bắc đặc trưng ở phố người Hoa.
Cận cảnh một cửa hàng cho thuê băng được tái hiện chân thật. Những cuốn băng, poster các loại phim như Tây Du Ký, Đát Kỷ Trụ Vương, kiếm hiệp… như gợi nhớ lại ký ức về phim ảnh của thập niên 80 – 90.
Xe nước mía ngày xưa làm bằng gỗ, ép nước tay thay vì bằng máy như bây giờ.
Hàng quán bình dân vỉa hè Sài Gòn là chủ đề được nhóm thực hiện thường xuyên và có nhiều khách đặt hàng. Mỗi mô hình tuỳ theo kích thước, độ chi tiết… có giá từ 500.000 đồng trở lên.
“Khách chủ yếu mua làm quà lưu niệm khi đến Sài Gòn du lịch hoặc đặt hàng làm riêng theo kỉ niệm của họ. Sắp tới nhóm sẽ làm thêm mô hình về miền Tây và Hà Nội xưa”, Kha cho biết.