Review từ A-Z Tour trekking Tà Chì Nhù – Yến Bái mới nhất 2021
Trong top những con đường leo núi Việt Nam, tour trekking Tà Chì Nhù luôn được xếp vào hàng khó nhất. Do những con dốc cao ngất trời hay địa hình đồi trọc lộng gió. Nhưng cũng chính bởi vậy, mà mảnh đất này ngày càng thu hút thêm nhiều vị khách ưa thử thách, từ khắp nơi phương xa đổ về. Cuộc chinh phục ngọn núi cao gần 3.000m được dự báo không hề dễ dàng. Vì thế hãy tham khảo thật kỹ những kinh nghiệm dưới đây do Focus Asia Travel tổng hợp nhé!
Tổng quan về Tà Chì Nhù – Yên Bái
Tà Chì Nhù là cái tên phổ biến nhất của ngọn núi cao thứ 7 Việt Nam. Nhưng đối với người Mông, núi có tên là Chung Chua Nhà. Còn người Thái lại gọi là Phu Song Sung. Núi cao 2.979m so với mực nước biển. Trực thuộc khối núi Phú Lương (Pú Luông), huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Để chinh phục Tà Chì Nhù bạn nên dành ít nhất từ 3-4 ngày nếu xuất phát từ Hà Nội.
Nên leo Tà Chì Nhù tháng mấy?
Thời điểm lý tưởng để trekking Tà Chì Nhù là từ cuối tháng 10 tới tháng 3 năm sau. Khi thời tiết đã tương đối tạnh ráo. Tuy hơi lạnh buốt nhưng sẽ tránh được trời mưa và sụt lở. Ngoài ra, vào tháng 10, 11 mỗi năm, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đồi hoa Chi Pâu phủ kín sắc tím. Còn dịp tháng 2 là mùa hoa đỗ quyên nở rộ. Focus Asia Travel khuyên bạn không nên nghĩ tới trekking bất cứ núi nào ở Việt Nam vào mùa hè. Mà hãy dành thời gian đấy để rèn luyện sức khỏe cho hành trình sắp tới.
Di chuyển đến Tà Chì Nhù thế nào?
Từ Hà Nội, bạn có thể đi chuyến xe đêm tới Yên Bái. Quãng đường 270km sẽ mất khoảng hơn 5 tiếng di chuyển. Giá dao động từ 100.000 – 150.000VNĐ. Nên chọn giờ xuất phát từ 19h – 19h30 để kịp nghỉ thêm một đêm trước khi trekking. Nếu đoàn đông muốn tự lái ô tô hay xe máy thì nên lưu ý một số điểm sau. Đối với ô tô, nếu bạn có ý định ở lại chơi lâu tại Yên Bái và có tay lái cứng cùng xe cao gầm thì có thể lựa chọn. Bởi chặng đường từ Trạm Tấu đến Mỏ Chì rất xấu. Đường ngoằn ngoèo và rất nhiều sỏi đá. Còn với xe máy, những bạn đã đi phượt nhiều có thể cân nhắc.
Theo kinh nghiệm của Focus Asia Travel, bạn nên đi xe khách tới Yên Bái để có thời gian nghỉ ngơi. Rồi sáng hôm sau tầm 6 giờ dậy, thuê ô tô hoặc xe ôm (tùy vào số lượng người trong đoàn) của nhà nghỉ hoặc porter trở vào Mỏ Chì. Đường tới đây tầm 15km, di chuyển khoảng gần 1 tiếng. Bạn phải tính toán sao cho chậm nhất 10 giờ sáng có mặt ở Mỏ. Nếu đoàn có người mới trek thì nên đi sớm để chiều kịp tới lán nghỉ.
Đường lên Tà Chì Nhù không có nhiều lối rẽ, nên nếu trong đoàn có thành viên đã từng đi và có nhiều kinh nghiệm trekking dày dặn thì có thể cân nhắc việc thuê porter. Tuy nhiên tốt nhất vẫn nên thuê nếu bạn không đi qua dịch vụ tour trekking Tà Chì Nhù. Hoặc ít nhất có lưu số 1-2 porter bản địa đề phòng trường hợp khẩn cấp. Giá thuê dao động từ 600.000-700.000VNĐ/porter.
Lịch trình tham khảo Tour trekking Tà Chì Nhù 3N3Đ
Ngày 1: Hà Nội – Yên Bái – Trạm Tấu
Sau khi khởi hành từ Hà Nội từ 19h tối, xe sẽ tới Yên Bái vào khoảng 1h sáng. Lúc này, bạn nên kiểm tra lại thời tiết lần nữa. Sau đó nghỉ ngơi để 6h sáng hôm sau có sức dậy, ăn sáng và chuẩn bị trekking. Đồ đạc không cần thiết nên soạn ra, gửi lại ở nhà nghỉ/xe tour/nhà porter để hành trình được thoải mái nhất.
Ngày 2: Trạm Tấu – Mỏ Chì – Lán nghỉ
Buổi sáng
Nếu bạn đang tự tin khi đã có kinh nghiệm dắt túi leo núi vài nơi như: Lảo Thẩn, Hàm Lợn,… thì tới với Tà Chì Nhù, ngay từ những bước đầu di chuyển sẽ khiến bạn có thể sốc nhẹ. Khi phải trải qua quãng đường sóc nẩy từ Trạm Tấu tới Mỏ Chì. Đối với ai ưa khám phá hẳn sẽ cảm thấy rất phiêu nếu ngồi sau tay lái của xe ôm bản địa. Nghe tiếng lộc cộc do đá ma sát với bánh xe mà trong lòng chỉ thầm mong nhanh đến.
Trước đây, bên Mỏ Chì cho đi nhờ cổng của họ. Vì thế quãng đường sẽ ngắn hơn tầm 2km. Nhưng sau tháng 6/2019, các đoàn phải đi con đường khác, men theo suối. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được những đàn dê núi dừng tại đây.
Vào tháng 10-11 hàng năm, trên đường di chuyển bạn còn có thể chiêm ngưỡng những đồi hoa Chi Pâu (theo tiếng Mông) tím lịm. Loài hoa mà người Mông “không biết” còn được gọi là cỏ mật rồng hay Đại Tử Đương Dược. Khung cảnh cứ ngỡ trời Âu này thật khó tin khi chỉ ít tiếng trước, bạn phải trải qua con đường chỉ toàn đá sỏi.
Đường lên tới lán nghỉ tầm 6km, mở đầu là những con dốc thẳng đứng, cao ngất. Đôi lúc, có những chỗ phải dùng cả hai tay để bò. Hoặc cần sự giúp đỡ của các thành viên đi trước kéo lên. Vì thế, bạn hãy chuẩn bị tinh thần trước, leo ổn định và bổ sung đường ngay khi cảm thấy tụt huyết áp.
Buổi trưa
Sau khoảng 2 tiếng miệt mài leo trèo, đoàn sẽ tới một con suối nhỏ. Thường thì lúc này porter sẽ để cho cả đoàn nghỉ ngơi, ăn uống tiếp sức trong khoảng một tiếng.
Quãng đường tiếp theo khá thoải mái so với lúc đầu. Tuy nhiên, do địa hình núi trọc nên gió rất mạnh. Càng lên cao, gió càng mạnh và không khí càng loãng. Vì thế, bạn cần cúi thấp, hạ trọng tâm để đỡ mất sức và tránh gió tạt.
Buổi chiều tối
Đi qua những đoạn đường ngập đầy dương xỉ hai bên, bạn sẽ tới cánh rừng nguyên sinh xanh ngát. Tiếp đó là rừng trúc rậm rạp như phim kiếm hiệp cổ trang. Khi thấy dốc ba cây, ở độ cao khoảng 1.800m, là bạn đã đi được khoảng nửa quãng đường tới lán nghỉ.
Nếu trời sẩm tối mà chưa tới được lán thì bạn nên sử dụng đèn pin để nhìn rõ đường đi. Tốt nhất là loại đèn pin gắn trên đầu và đi bám sát nhau. Trường hợp tối rồi mà còn cách xa lán thì nên dừng lại. Tìm chỗ bằng phẳng và kín gió để dựng trại.
Lán nghỉ nằm ở độ cao 2.400m. Đây là lán do người chăn dê địa phương dựng lên. Ngay bên cạnh có con suối nhỏ. Sau khi đến đây, bạn có thể rửa mặt mũi, dựng thêm lều và chuẩn bị đồ ăn cùng porter. Bầu trời đêm ở đây đầy sao rất đẹp. Tuy nhiên, tốt nhất đừng ngắm sao quá muộn mà hãy đi ngủ sớm để giữ sức cho hành trình ngày mai nhé.
Ngày 3: Lán nghỉ – Đỉnh Tà Chì Nhù – Trạm Tấu
Buổi sáng
Sáng sớm 5 giờ sáng, cả đoàn đã dậy rửa mặt ăn sáng, để chuẩn bị cho hành trình tiếp theo. Quãng đường từ lán lên đỉnh Tà Chì Nhù khoảng 3km. Đường đi rất dốc nhưng lúc này bạn không cần mang theo đồ nên không quá vất vả. Thêm vào đó vừa leo vừa ngắm những tia nắng nhuộm ấm dần biển mây cũng rất thú vị.
Sau tầm 3 tiếng, đoàn sẽ tới đỉnh Tà Chì Nhù ở độ cao 2.979m. Không còn gì tuyệt hơn khi được đứng giữa lưng chừng trời bao la, trên đỉnh ngọn núi cao thứ 7 Việt Nam. Phía dưới là bầu trời mây trôi lững lờ. Tựa như đã đặt chân lên chốn thiên đường tiên giới.
Cả đoàn sẽ có thời gian chụp ảnh, check-in trên đỉnh núi khoảng nửa tiếng. Sau đó cùng nhau quay lại lán nghỉ dọn đồ, ăn trưa và tiếp tục hành trình xuống núi.
Buổi chiều
Khoảng 15 giờ chiều các bạn sẽ về tới Mỏ Chì. Đường đi xuống tuy nhanh hơn nhưng cũng khá dốc. Vì thế vẫn cần rất cẩn thận, buộc chặt dây giày. Tốt nhất hãy cắt ngắn hết móng chân trước khi đi.
Sau khi bắt xe ôm về tới Trạm Tấu, bạn có thể tới suối nước nóng Trạm Tấu để ngâm mình, thư giãn. Hành trình sau đó, tùy thuộc vào quỹ thời gian của bạn. Có thể về Hà Nội hoặc ở lại, đi chơi thêm bản Cu Vai hay Nghĩa Lộ – Yên Bái.
Kinh nghiệm leo núi Tà Chì Nhù
Tương tự như khi trekking Lảo Thẩn hay Bạch Mộc Lương Tử,… khi lên kế hoạch leo núi Tà Chì Nhù, bạn phải chuẩn bị đầy đủ các trang phục, thiết bị cần thiết như: quần áo thấm hút tốt, dễ khô; giày leo núi loại chống trơn, chống trượt, bám tốt; mấy đôi tất dày; găng tay, mũ, khăn ấm; đèn pin, kem chống nắng, một số loại thuốc cơ bản,…
Ngoài ra, bạn phải tập luyện tốt sức khỏe trước khi đi từ ít nhất 3 tháng. Bằng những bài tập như leo cầu thang, chạy bộ,… Bên cạnh đó, chuẩn bị thêm các loại đồ ăn bổ sung năng lượng, ví dụ: socola, đường glucozo, một ít lương khô, mỳ tôm,… Đặc biệt là nước, khoảng tầm 2 lít mỗi người. Nếu có điều kiện bạn nên sắm bút lọc nước. Vì khi lên núi, bạn sẽ phải sử dụng nước suối để uống.
Tour trekking Tà Chì Nhù sẽ là một lựa chọn hợp lý cho những bạn đã có kinh nghiệm leo một số núi và muốn thử thách bản thân ở một mức độ khó hơn. Qua những kinh nghiệm đi Tà Chì Nhù kể trên, Focus Asia Travel xin chúc bạn cùng các đồng đội có một chuyến đi vui vẻ và thật ý nghĩa nhé.