Review trekking Annapurna Base Camp ở Nepal cùng travel blogger Lý Thành Cơ
Nepal – nằm ở dãy Himalaya, thuộc châu á. Là quốc gia có 3/4 biên giới giáp Ấn Độ, 1/4 còn lại giáp Tây Tạng. Quốc gia này trong lịch sử chưa từng bị đô hộ, chưa từng là thuộc địa của một cường quốc nào. Bài review dưới đây của travel blogger Lý Thành Cơ sẽ chia sẻ với các bạn một cách chi tiết nhất về chuyến đi trekking Annapurna Base Camp ở Nepal.
Trước đây, mình toàn đi các thành phố, làng quê, các khu vườn quốc gia theo phong cách ngắm nhìn và tận hưởng nhiều hơn. Dù là những cung trek nhỏ như Tà Năng – Phan Dũng, hay trek lên đỉnh núi Bà Đen mình cũng chưa từng làm được vì tâm lý ngại… cực. Ấy vậy, không biết hồi tháng 9 mình nghĩ gì lại book vé đi Nepal 12 ngày, trong đó 8 ngày để trekking lên xuống Annapurna Base Camp, và 4 ngày ở Kathmandu, Pokhara. Càng gần ngày đi, mình lại càng thấy mình… ngu, tự nhiên chưa có kinh nghiệm gì hết, có thể nói là “còn trinh” trong việc trekking thì chuyến đi này sẽ tốn tiền cho mà xem.
Nhưng, khi bắt tay vào làm, mới thấy những gì mình nghĩ “không thể” lại hoá thành “có thể”. Và 12 ngày ở Nepal, 8 ngày trên núi đã thành công mỹ mãn, cùng đọc lại hành trình nho nhỏ đi khám phá một phần dãy Himalaya siêu cao, siêu khổng lồ của Cơ.
Xem thêm: Đạo Thành Á Đinh – Review chốn tiên cảnh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Lịch trình trong 12 ngày
- Ngày 1: Việt Nam – Kathmandu (bay)
- Ngày 2: Kathmandu – Pokhara (di chuyển bằng xe hoặc bay sẽ đắt hơn)
- Ngày 3: Pokhara – Ghanduk (bạn có thể chọn trek hoặc đi jeep chở thẳng tới để tiết kiệm sức lực)
- Ngày 4: Ghanduk – Chomrong (trek 6 tiếng)
- Ngày 5: Chomrong – Deurali (trek 8-10 tiếng)
- Ngày 6: Deurali – Machapuchare Base Camp – Annapurna Base Camp (trek 3 – 4 tiếng đi thư thả)
- Ngày 7: Annapurna Base Camp – Bamboo (trek ngược xuống tầm 8 tiếng)
- Ngày 8: Bamboo – Jhinu Danda (trek lên xuống 3 – 4 tiếng, để xuống tắm nước nóng
- Ngày 9: Jhinu Danda – Pokhara (trek 2 tiếng qua New Bridge rồi bắt xe jeep về Pokhara, có hẳn 1 buổi chiều
- Ngày 10: Pokhara – Kathmandu
- Ngày 11: Kathmandu
- Ngày 12: Kathmandu – Việt Nam
Chuẩn bị thể lực tốt trước chuyến đi
Trước chuyến đi, nếu cơ thể bạn không phải thuộc dạng siêu khoẻ, siêu bền, tốt nhất hãy chuẩn bị thể lực trong 1 tháng. Cách chuẩn bị thể lực tương đối đơn giản.
- Chạy bền: cố gắng 1 tuần chạy 3 buổi, mỗi buổi chạy 5km, tuần thứ 2 tăng lên 7km/buổi, tuần thứ 3 thử tăng lên 10km/buổi. Như vậy bạn sẽ có thêm sức bền và cơ chân sẽ khoẻ hơn. Khi đi trek, cơ chân là thứ hoạt động nhiều nhất và dễ chấn thương nhất.
- Tập các bài tập đùi & mông: squat mỗi ngày 60 cái nhé, còn nhiều bài tập chuyên sâu hơn thì mình không có tập, thấy chạy bộ cũng đủ rồi đó.
- Tập yoga: môn này giúp bạn tập thở tốt, mình trước khi đi có tập yoga 9 tháng nên lúc trek thở đều và đỡ mệt hơn rất nhiều so với các bạn đi cùng.
- Tập leo cầu thang: mỗi ngày làm ở văn phòng lầu cao thì thử đi bộ từ lầu G lên trên xem, sẽ hiểu phần nào cảm giác lúc trek.
Cơ tin chắc chỉ cần 1 tháng tập luyện bạn sẽ đi trek thoải mái và không sợ việc mình chỉ là dân đi trek không chuyên hay mới đi trek lần đầu tiên trong đời như Cơ.
Chuẩn bị giấy tờ cần thiết
Khi đi Nepal, thật sự bạn không cần quá nhiều giấy tờ đâu, nhưng có vài mục sau bạn phải lưu ý mang đầy đủ.
- Passport còn hạn tối thiểu 6 tháng và còn trống ít nhất 2 trang
- Hình thẻ 4×6: dùng để đăng ký permit đi trek và nhiều trường hợp khác nữa như làm giấy chứng nhận leo xong, cứ mang dư ra nhé. Mang tối thiểu 5 tấm.
- Bảo hiểm: vô cùng quan trọng vì đi chuyến này có thể xảy ra tai nạn bất kỳ lúc nào, mua bảo hiểm Liberty, Bảo Việt, AIG đều được nhé. Nhớ in ra khi đi trek.
- Tiền USD nộp phí visa: khi làm visa on arrival tại Kathmandu, thủ tục đơn giản lắm. Chỉ cần nhập thông tin cá nhân và thời gian muốn ở lại Nepal và tên khách sạn là xong. Nhưng nhớ mang theo tiền để đóng phí.
Các loại thuốc các bạn cần mang theo
- Acetazolamide: như chia sẻ bên trên, bạn uống trước 4 – 6 ngày khi trek và uống trong lúc trek, đến khi lên độ cao hơn 3,000m thì dừng.
- Panadol: trị nhức đầu, cảm sốt
- Vitamin C: cho bạn khoẻ người hơn
- Berberin: cho mấy trường hợp Tào Tháo rượt
Nhiêu đây là mình thấy đủ cho chuyến đi rồi, không cần mang nhiều loại thuốc hơn đâu, trừ khi bạn bệnh đặc biệt nào đó.
Các đồ dùng cần thiết
- Bình nước 1,2 – 1,5 lít: mang theo để cứ đi là uống, và đổ đầy khi đến các tea house
- Đồ lọc nước: món này bạn mình mua mang theo, có thể lọc nước suối uống luôn, hoặc nhiều tea house nước có vị lạ mình cũng dùng để lọc, khá tiện.
- Bánh kẹo: đi trek sẽ rất mệt và dễ hạ đường huyết, bạn nên mang theo Kitkat, Mars, Snickers để bổ sung năng lượng, vài loại kẹo ngậm để cho vui miệng nữa.
- Cục sạc dự phòng: từ Chomrong là đã bắt đầu tính tiền sạc pin là 100 đồng Nepal cho 1 lần, càng lên cao càng mắc dần. Mình mang theo hẳn 2 cục để phòng hờ, tiết kiệm kha khá. Khi nào về Pokhara sẽ sạc lại sau.
- Bàn chải, kem đánh răng
- Kem chống nắng: tối thiểu 50SPF++ nha
- Kem dưỡng ẩm: rất rất cần, vì lên đó bạn sẽ khô và tróc da. Bạn mình đi cùng không skin care nên rốt cuộc bị. Mang cả 2 loại da mặt và cho tay nhé.
- Son dưỡng môi: bạn có thể mua loại đu đủ của Úc, xài khá tốt.
- Giấy vệ sinh cuộn: lên trên đó không có giấy đi vệ sinh đâu, nên mỗi người trong nhóm tự giác mang 1-2 cuộn trong balo nhỏ để luôn sẵn sàng nha.
- Trà gừng: cho dễ đi tiêu hoặc khi bị ăn đồ chướng
- Khăn tắm mau khô: loại này mình mua ở Decathlon, rất vi diệu, tắm xong phơi qua 1 đêm là khô.
- Dầu gội & xà bông cục
- Khăn giấy ướt: dùng để lau người khi ở trạm Deurali trở lên là bạn tuyệt đối không được tắm rồi, vì dễ bệnh lắm.
- Salonpas: mang cả loại kem và cả miếng dán, có món này mỗi đêm sẽ rất kỳ diệu cho ngày hôm sau bớt phần nào đau nhức để leo tiếp.
- Miếng dán nhiệt: bạn có thể ra Hachi Hachi mua, có bán rất tiện, nhưng theo mình thấy là dành cho bạn nào chịu lạnh kém thôi. Mình chỉ dùng 1 miếng vì lo xa, nhưng rốt cuộc bị nóng quá. Lưu ý, bạn không được dùng miếng dán nhiệt khi đi ngủ nhé, sẽ bị bỏng đó.
- Bột điện giải: pha vào nước để bù nước tốt hơn và không phải đi tiểu thường xuyên.
Di chuyển đến Nepal
Từ Việt Nam, hoàn toàn không có chuyến bay thẳng, bắt buộc phải transit qua ít nhất 1 nước. Có khá nhiều hãng khai thác đường bay này như AirAsia, Malaysia Airlines (transit ở Kuala Lumpur), China Southern Airlines (transit ở Quảng Châu). Sau khi cân nhắc là mua AA cũng phải mua thêm hành lý, nên thôi mình quyết định bay MA dù cũng hơi run vì mấy tai nạn hồi trước. Nhưng bay rồi thì cũng an toàn.
Đồ ăn hơi chán đặc biệt là chặng Việt Nam – KL. Bay Kathmandu cũng là máy bay nhỏ thôi. Nói chung mình không trông mong bay sang chảnh nên tạm chấp nhận.
Tiền tệ Nepal
Tại Nepal dùng đồng Nepal rupee. Bạn có thể tính đơn giản là 1 đồng rupee = 200 đồng VNĐ. Thông thường thì bạn nên đổi USD từ Việt Nam rồi qua Kathmandu đổi. 1 USD = 111 đến 114 rupee. Mình nhờ guide đổi hộ thì có giá tốt được tới 114 rupee.
Vì sao nên chọn cung Annapurna Base Camp?
ABC là cung trek có lượng người tham gia trek đông và nhiều tea house được xây dựng tốt. Thế nên bạn sẽ cảm thấy an toàn khi đi hơn.
Thời gian để hoàn thành cung trek cũng ở mức vừa phải: 8 ngày. Tới ngày thứ 4 là bạn đã lên độ cao hơn 4,000m là khúc khó nhất rồi. 4 ngày còn lại sẽ kiểu đi trek xuống và nghỉ ngơi nhiều hơn. Mình là người đi trek lần đầu nhưng có thể hoàn thành tốt thì bạn hoàn toàn có thể làm được.
Thời gian đi hợp lí nhất
Có 2 khoảng thời gian bạn cần tránh hoàn toàn là mùa mưa tháng 7 – 9 và mùa đông tháng 1 – 2.
Các mùa còn lại là mùa đẹp để đi. Đẹp nhất là mùa tháng 4-5 là mùa xuân có hoa đào nở đẹp. Tuy nhiên, mùa này sẽ có lượng mưa kha khá và khi vào rừng thì sẽ bị dính con vắt. Nhưng nếu bạn không chịu lạnh tốt thì mùa này hoàn hảo vì khi lên ABC sẽ không bị rét quá.
Mùa tháng 10 – 11 là mùa đẹp nữa khi khung cảnh là lá cây và cỏ cháy vàng nhuộm sắc thu. Mùa này bạn sẽ không bị vắt trong rừng nhưng lại chịu nhiệt độ thấp vào ban đêm. Mình chọn đi tháng 11 vì cả nhóm ai cũng chịu lạnh tốt và ghét mưa.
Trên đây là toàn bộ bài review về trekking Annapurna Base Camp ở Nepal mà travel blogger Lý Thành Cơ đã chia sẻ. Hy vọng sẽ giúp các bạn có những thông tin hữu ích nhất nhé.
Focus Asia Travel