Quan họ Bắc Ninh – Di sản văn hóa Việt Nam
Dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành khá lâu đời,do cộng đồng người Việt (Kinh) ở 49 làng quan họ và một số làng lân cận thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay của Việt Nam sáng tạo ra. Mỗi độ xuân về, miền quê quan họ lại trở thành điểm hẹn thú vị đối với du khách.
Sức hấp dẫn của những điệu dân ca ngọt ngào cùng nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc đã khiến những ai đến du xuân và bước chân ra về đều vấn vương câu hát “Người ơi người ở đừng về…”.
Xuân sang, những làng quan họ của vùng Kinh Bắc lại mở hội làng. Khắp ngõ xóm dập dìu các liền chị chít khăn mỏ quạ, nét mặt tươi tắn với đôi môi cắn chỉ đỏ thắm, e ấp sau vành nón thúng quai thao, duyên dáng trong bộ áo tứ thân sặc sỡ sắc màu, cùng các liền anh khăn xếp áo the, hát mừng mùa xuân, đón khách thập phương về trẩy hội bằng những câu ca mộc mạc, chân tình mà đằm thắm, thiết tha.
Về quan họ, có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau. Có người cho rằng đó là “tiếng hát giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau”. Cũng có làng Quan họ lại cho rằng đó là “tiếng hát của quan viên hai họ”. Có người lại cho rằng “Quan họ là nỗi niềm yêu nhau mà chẳng lấy được nhau để giữ cho tiếng hát còn nguyên vẻ đẹp”.
Tuy nhiên, dù ở cách hiểu nào thì chúng ta cũng đều nhận thấy đây là một trong những loại hình dân ca đặc trưng của Việt Nam. Quá trình hình thành lời ca, làn điệu Quan họ gắn liền với quá trình phát triển của đời sống xã hội nhằm nâng cao và tôn vinh các mối quan hệ cộng đồng và giao lưu văn hóa.
Khi hát quan họ, một cặp nữ của làng này sẽ hát với một cặp nam của làng kia với một bài hát cùng giai điệu, khác về ca từ và đối giọng. Cặp hát phân công người hát dẫn, người hát luồn nhưng giọng hát của hai người phải hợp thành một giọng. Họ hát những bài ca mà lời là thơ, ca dao có từ ngữ trong sáng, mẫu mực thể hiện tình yêu lứa đôi, không có nhạc đệm kèm theo.
Xem thêm: Vẻ đẹp thiên nhiên của Măng Đen Tây Nguyên.
Các câu hát là do các liền anh, liền chị tự sáng tác. Thường ngày họ là những người dân lao động cần cù, chân lấm tay bùn, nên những câu hát sáng tác của họ gắn với sinh hoạt đời thường, có khi chen cả điển tích, ca dao… thật mộc mạc, chân tình nhưng luôn thấm đẫm chất trữ tình, đằm thắm.
Các bài quan họ thường thể hiện tâm trạng tình yêu đôi lứa, khát vọng sống ấm no, hạnh phúc, nỗi nhớ mong, tương tư của người quan họ, cái sầu man mác, tương tư như lời của một làn điệu: “Để có ai xuôi về, cho em nhắn, cho em nhủ… ai bâng khuâng trong gió? Ai mải đi tìm trong chiều hội xuân…” nghe sao mà sâu lắng, thiết tha đến vậy! Tất cả tình cảm đều được người quan họ thể hiện một cách tế nhị và kín đáo.
Ở vùng Kinh Bắc, từ khi mới sinh ra trẻ thơ đã được ông, bà, cha, mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca quan họ truyền thống và các thế hệ cứ tiếp nối nhau hát quan họ, người trước truyền dạy người sau. Ngày nay, từ trẻ em đến người già tóc bạc đều biết hát quan họ… Nhiều người con của quê hương đi xa cũng không thể nào quên được những âm vang tha thiết đó.
Dân ca quan họ là một lối hát giao duyên dân dã của vùng Kinh Bắc. Không chỉ đơn thuần là chuyện hát, quan họ còn là mối quan hệ gắn bó tình nghĩa giữa những người hát, còn là phong cách tao nhã, lịch sự của các liền anh, liền chị, một nét đẹp không gian sinh hoạt văn hoá của dân tộc được bồi đắp từ bao đời.
Trong một ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương hát về miền quê Quan họ có câu “Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca”. Mong rằng mỗi mùa xuân đến, câu quan họ xứ Kinh Bắc được gìn giữ, chắt chiu qua bao đời sẽ luôn vang lên, đậm đà, đằm thắm, sưởi ấm những mầm xuân.