Những điều có thể bạn chưa biết về 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam

Theo Trung tâm Thông tin dữ liệu và Đo đạc bản đồ, 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam lần lượt là: Nghệ An (16.490 km2), Gia Lai (15.536,9 km2), Sơn La (14.174,4 km2), Đăk Lăk (13.125,4 km2), Thanh Hóa (11.129,5 km2), Quảng Nam (10.438,4 km2), Lâm Đồng (9.773,5 km2), Kon Tum (9.689,6 km2), Điện Biên (9.562,9 km2), Lai Châu (9.068,8 km2).

Nghệ An (16.490 km2)

Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ, đất rộng, người đông. Với diện tích 16.490,25 km², lớn nhất cả nước; dân số hơn 3,037 triệu người (tính đến năm 2014), đứng thứ tư cả nước; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; hội tụ đầy đủ các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa; điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng như một Việt Nam thu nhỏ… Nghệ An có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút đầu tư và ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Nghệ An.

Nghệ An còn có Vườn Quốc gia Pù Mát, biển Cửa Lò, Cửa Hội, những cung đường xanh uốn mình theo dòng sông Lam, đồi chè Thanh Chương bao quanh là những hồ nước, thung lũng hoa Phủ Quỳ…

Gia Lai (15.536,9 km2)

Gia Lai là một tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao trung bình 700 – 800 m so với mực nước biển. Với diện tích 15.536,92 km², là tỉnh lớn thứ hai Việt Nam. Dân số tỉnh Gia Lai có 1.213.750 người (số liệu thống kê năm 2008) bao gồm 34 cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, người Việt (Kinh) chiếm 52% dân số. Còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Bahnar (13,7%), Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Thái, Mường…

Có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt ở Gia Lai, trong đó có nhiều cảnh quan đẹp như núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, Biển Hồ (Hồ T’Nưng)… Tỉnh còn có Đồi chè ở Biển Hồ được người Pháp trồng từ những năm 1920, hàng thông trăm tuổi đẹp như trong phim ở huyện Chư Păh…

Sơn La (14.174,4 km2)

Sơn La là một tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 14.125 km² chiếm 4,27% tổng diện tích cả nước, đứng thứ 3 trong số 64 tỉnh thành phố trong cả nước. Đến với Sơn La, bạn sẽ được ngắm nhìn một vùng núi non hùng vĩ và khám phá về giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc, cũng như cuốn hút trong vòng xòe, ngây ngất say trong men rượu cần, cùng thả hồn theo ánh lửa bập bùng và giọng hát ngọt ngào, vang xa trong đêm hội nhạc rừng.

Chè cổ thụ là đặc sản nổi tiếng của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Tại bản Bẹ của xã có quần thể 200 cây chè shan tuyết được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Đăk Lăk (13.125,4 km2)

Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Cộng đồng dân cư Đăk Lăk gồm 47 dân tộc với nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng: Lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn T’rưng; các bản trường ca Tây Nguyên… Khu du lịch Buôn Đôn được gọi là “lãnh địa” voi của Tây Nguyên nổi tiếng với truyền thống săn bắt, thuần hóa và nuôi dưỡng voi rừng.

“Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thanh Hóa (11.129,5 km2)

Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng du lịch rất lớn và có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Bờ biển dài trên 100km với nhiều bãi biển đẹp mà nổi tiếng nhất là Sầm Sơn. Ðây là bãi biển phẳng, nước xanh như ngọc tràn ngập ánh nắng với nhiều điểm du lịch phụ cận như đền Ðộc Cước, hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, khu đầm lầy nước mặn Quảng Cư, Quảng Tiên có nhiều chim thú, cây cỏ và hải sản. Hàng năm có hàng triệu du khách tới Sầm Sơn để tắm biển và nghỉ ngơi.

Ðối với những du khách say mê lịch sử không thể bỏ qua di tích thành nhà Hồ mà kiến trúc của nó làm người ta liên tưởng tới những thành đá ở Ý và Hy Lạp, các di vật của người Việt cổ (Núi Ðọ, Ðông Sơn), khu di tích Lam Kinh. Ngoài ra tới đây du khách sẽ được thưởng thức chiêm ngưỡng những di sản văn hoá Việt Nam bao gồm các trò chơi dân gian, các làn điệu xứ Thanh, các lễ hội và nhiều hoạt động văn hoá khác. Chắc chắn Thanh Hóa sẽ là điểm dừng chân không thể bỏ qua đối với nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Quảng Nam (10.438,4 km2)

Tỉnh Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là sự tổng hòa của những yếu tố địa lý của vùng lục địa hải đảo là núi – đồi – châu thổ – biển. Vùng có diện tích tự nhiên khoảng 10.438 km2. Phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế, phía Tây giáp CHDCND Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum.

Đến Quảng Nam, du khách sẽ được đắm mình vào thế giới cổ xưa với các đền, tháp ở Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ; những công trình rêu phong ở phố cổ Hội An – một trong những đô thị cổ nhất Đông Nam Á. Mảnh đất Quảng Nam còn ghi lại nhiều dấu tích của những năm kháng chiến trường kỳ. Đó là các di tích Núi Thành, địa đạo Kỳ Anh, đường mòn Hồ Chí Minh, căn cứ Chu Lai, chiến khu Trà My, chiến khu Hòn Tàu…Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới từ tháng 12/1999.

Đặc biệt. thiên nhiên còn ưu đãi và hào phóng dành cho Quảng Nam những tài nguyên tự nhiên, tài nguyên biển vô cùng quý giá. Đó là 125 km bờ biển kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất hoang sơ và sạch đẹp cùng với Hồ Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, khu rừng nguyên sinh phía Tây Quảng Nam, sông Trường Giang và xứ đảo Cù Lao Chàm là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng, đã trở thành điểm dừng chân của bao du khách.

Lâm Đồng (9.773,5 km2)

nằm trên cao nguyên Lâm Viên – Di Linh, có độ cao trung bình 800-1500 m so với mực nước biển, là một trong những vùng trồng rau, hoa, quả xứ lạnh lớn của cả nước. Đà Lạt là thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh với nhiều ưu thế về khí hậu và cảnh quan, được gọi bằng nhiều mỹ từ: “Thành phố ngàn hoa”, “thành phố ngàn thông”, “xứ sở sương mù”…

Là xứ nhiệt đới nhưng Đà Lạt vẫn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng ôn đới với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất là 15 độ C, cao nhất là 24 độ C. Những năm 40 của thế kỷ trước, Đà Lạt được coi là thủ đô mùa hè của toàn Đông Dương, là nơi lui tới của những tâm hồn nghệ sĩ.

Kon Tum (9.689,6 km2)

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp. Đây còn là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, ghi dấu ấn thành những di tích lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia. Tỉnh Kon Tum còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú với nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc sắc…đã giúp Kon Tum trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Tây Nguyên.

Đến với Kon Tum, du khách được trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ với nhiều thắng cảnh đẹp. Trong đó, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen ở huyện Kon Plông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 01 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển Khu du lịch chuyên đề Quốc gia.

Điện Biên (9.562,9 km2)

Là tỉnh ở Tây Bắc, nổi bật với hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh có đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Cực Tây – A Pa Chải, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là nơi có cột mốc phân chia ranh giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San, cũng là nơi được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”.

Đèo Pha Đin là một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng.

Lai Châu (9.068,8 km2)

Ẩn mình trong bạt ngàn núi rừng Tây Bắc, bên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Lai Châu được thiên nhiên ban tặng những món quà vô giá. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, tỉnh Lai Châu có nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh thắng có giá trị như: Khu Du lịch sinh thái đỉnh đèo Hoàng Liên, Cầu kính Rồng Mây, động Pusamcap, thác Tác Tình, đỉnh Putaleng, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử, đỉnh Tả Liên Sơn…và 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh…

Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc với những nét bản sắc văn hóa độc đáo và thú vị như: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Sì Thâu Chải, bản Hon, bản Lao Chải, bản Thẳm…