Lịch sử hình thành chóp Inox trên đỉnh Fansipan

Gặp lại “đứa con tinh thần” của mình trên đỉnh Fansipan vào một ngày tháng 5/2021, anh Lê Hồng Quang không giấu nổi sự xúc động và tự hào qua ánh mắt. Khẽ chỉnh lại chiếc áo dài ngũ thân trước những cơn gió lộng trên đỉnh núi, anh chậm rãi kể về ý tưởng làm lại chóp mới cho Fansipan, cách đây 13 năm.

Tình trạng hư hại của chóp Fansipan cũ

Những ngày đầu năm 2008, trên website Trái tim Việt Nam Online, một trong những diễn đàn tiếng Việt lớn nhất thời đó, liên tục xuất hiện bài đăng cảnh báo tình trạng hư hại của chóp Fansipan. Dù chưa một lần nhìn thấy, hình ảnh khối đá hoa cương với chằng chịt vết nứt vỡ vẫn thôi thúc Hồng Quang tái sinh chóp cho Nóc nhà Đông Dương.

“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ rằng cột mốc trên đỉnh núi khó chinh phục nhất Việt Nam mang nhiều ý nghĩa linh thiêng”, anh hồi tưởng. Nghĩ là làm, ngày 9/1/2008 anh đăng bài kêu gọi “Làm lại chóp mới cho đỉnh Fansipan” trên box Du lịch ở diễn đàn. Chủ đề nhận được sự quan tâm, cổ vũ của nhiều người. Nhóm làm chóp có thêm 4 thành viên mới chị Lê Thanh Vân lên bản vẽ thiết kế, anh Nguyễn Minh Tuấn đảm nhiệm thi công, anh Thanh Tùng và anh Tấn kêu gọi quyên góp trong nhóm Tây Bắc Group.

Ngày hôm sau anh Quang gửi thư cho giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (VQG), bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Trị, xin phép cho cộng đồng du lịch bụi và những người yêu Fansipan làm chóp theo tính chất cộng đồng hóa. Cả nhóm như được tiếp thêm sức mạnh khi ông Trị ra văn bản đồng ý. Chưa đầy một tuần, nhóm anh Quang kêu gọi quyên góp được khoảng 10 triệu đồng và cả nhóm bắt tay vào thi công.

Chóp đầu tiên ra đời năm 1964

Nữ kiến trúc sư Thanh Vân thiết kế theo nguyên mẫu của chóp đầu tiên từ năm 1964. Ban đầu, nguyên liệu được đề xuất cho chóp là hợp kim duralumin (đuyra) vì độ bền. Nhưng hợp kim này khó tìm và nhóm không đủ kinh phí. Khi đó, anh Nguyễn Minh Tuấn, một kỹ sư luyện kim màu trong nhóm, quyết định dùng Inox SUS201, với lời cam kết “chóp sẽ bền theo thời gian, để trên đỉnh núi cao trải qua mưa gió, sẽ càng ngày bóng lên”.

“Trước thời điểm làm chóp, tôi đã từng một lần chinh phục Fansipan và để ý rằng các cột sắt ở đây không hề bị gỉ sét, do không khí có muối, vì vậy chất liệu tôi chọn sẽ giúp chóp bền đẹp”, Anh Tuấn nói. Sau đó, anh cũng là người trực tiếp mua vật liệu, thi công và cho ăn tạo chữ trên chóp inox.

Ngày 26/1/2008, chóp được hoàn thành với cân nặng hơn 20 kg, cao 99 cm. Ở 3 mặt của chóp là hình ngôi sao 5 cánh cùng dòng chữ FANSIPAN 3.143m, được tạo bằng chất ăn mòn. Cùng ngày, anh Quang mang chóp ra hồ Hoàn Kiếm, tới trước tượng đài vua Lê Thái Tổ để làm lễ cầu an, trước khi lên xe hướng về Fansipan vào buổi tối.

Trao tặng chóp Inox mới

Nửa đêm, xe ôtô đưa nhóm tới địa phận Yên Bái thì hỏng. Để không muộn hẹn trao chóp cho ban quản lý VQG Hoàng Liên Sơn vào hôm sau, Hồng Quang một mình nhảy tàu, ôm chóp hướng về Lào Cai. Ngay khi tàu lăn bánh rời ga, thì chiếc xe ôtô cũng được sửa xong. Vì sự cố này mà mãi về sau cả nhóm vẫn thường đùa nhau rằng đó là “chuyện tâm linh”, vì ai tới Lào Cai ngày đó đều phải đi tàu, nên chóp cũng không ngoại lệ.

Sáng hôm sau, cả nhóm gặp nhau tại Lào Cai và tiếp tục tới thị xã Sa Pa, trao lại chóp cho ban quản lý VQG. Để hoàn thành kế hoạch trước Tết, anh Nguyễn Minh Tuấn cùng một số porter người H’Mong cõng chóp lên đỉnh. Anh Quang và các thành viên còn lại trong nhóm không đồng hành với đoàn, bởi hành trình chinh phục Fansipan thời đó đòi hỏi người leo phải chuẩn bị thể lực từ trước.

tour sapa 3n2d

Sức chống chịu thời tiết khắc nghiệt của Fansipan

Những ngày mùa đông, nhiệt độ ở Hoàng Liên Sơn có khi xuống dưới 0 độ C, gió mưa tạt ướt đẫm nhiều lớp áo cũng không làm vơi đi sức trẻ, lòng quyết tâm của người cõng chóp. Sau hai ngày băng rừng, anh Tuấn cùng cả đoàn đến đích vào trưa 28/1/2008. Do thời tiết rất khắc nghiệt, toàn thân anh Tuấn cứng đờ không còn cảm nhận được gì, một cơn gió to khi ấy tưởng chừng có thể kéo anh ngã xuống vách núi.

Trong nửa tiếng, anh khẩn trương khoan đá, đổ xi măng, cố định chóp để sớm xuống núi. Dù vậy, từng công đoạn được thực hiện vô cùng tỉ mỉ, để góc nhọn của chóp quay về hướng Bắc, mặt phẳng quay về hướng Nam, như vậy trong những ngày trời quang, ánh sáng mặt trời sẽ phản chiếu lấp lánh trên đỉnh núi.

tour sa pa 3 ngày

Hoàn thành Chóp mới Inox của đỉnh Fansipan cho đến ngày nay

Ngay khi vừa đặt xong đỉnh chóp, toàn thân anh Tuấn như bị rút hết sức lực, quay trở xuống đỉnh khoảng 100 m, toàn thân bị chuột rút, chiếc áo mỏng ướt đẫm khiến cơ thể mất nhiệt nhanh chóng, làm anh phải nằm lại bên đường. Khi ấy, đoàn porter liên tục thúc giục, động viên anh phải nhanh chóng lấy sức, quay trở về điểm trại để sưởi ấm, trước khi tình trạng sức khỏe trở nên xấu hơn.

Ngày 17/2 năm ấy cũng trùng vào dịp sinh nhật tuổi 35, anh Hồng Quang cùng đoàn “Tình yêu Fansipan – Fanlove” gồm 34 thành viên, cũng là những người quyên góp làm chóp, chinh phục ngọn núi cao.

Hơn 10 năm trôi qua, anh Quang và anh Tuấn vẫn không thể quên cảm giác cái rét buốt luồn qua da thịt và những tán lá đóng băng trong rừng Hoàng Liên Sơn ngày ấy. Nhưng điều các anh khắc ghi nhất, có lẽ là niềm tự hào, tình yêu đất nước căng tràn trong lồng ngực, khi đứng bên cạnh “đứa con tinh thần của mình” trên Nóc nhà Đông Dương.