Lễ Lập Tĩnh – Nghi thức quan trọng của trai tráng người Dao Tiền

Hoạt động quan trọng của người Dao Tiền

Lập tĩnh còn được biết đến như lễ đặt tên (hay lễ trưởng thành, lễ cấp sắc) tùy vào vùng miền có cách gọi khác nhau. Đây là một đặc trưng của đồng bào Dao Tiền. Mỗi bé trai Dao Tiền khi lên 9-12 tuổi đều phải trải qua lễ này để chính thức được công nhận là người trưởng thành.

Trước lễ, những tiết mục chuẩn bị được tiến hành, đặc biệt nhất là điệu múa “chèo chèo”. Nam giới ở mọi độ tuổi, từ già đến trẻ nhảy theo vòng tròn, theo tiếng trống của thầy cúng. Sự phân cấp tuổi này đại diện cho một vòng đời, có nhi – trung – lão đủ cả, cũng thể hiện cho sự tương trợ, bảo hộ lẫn nhau của những thế hệ trong làng.

Hình thức tổ chức

Nghi lễ lập tĩnh chính kéo dài từ nửa đêm tới sáng, cho đến khi chọn được cái tên thích hợp. Tên cấp sắc (hay tên âm), để bảo vệ đứa trẻ khỏi vận rủi và luôn bình an, may mắn về sau. Tùy vào điều kiện và đẳng cấp của thầy cúng mà chọn tổ chức lễ cúng 3 đèn, 7 đèn hay 12 đèn. Tại Đà Bắc, người Dao Tiền thường làm tục cúng 3 đèn, với bao nhiêu đèn thì tương đương bấy nhiêu thầy mo tham gia hành lễ.

Mâm lễ của người Dao Tiền khác nhau theo văn hóa vùng miền nhưng luôn có thịt gà, rượu, thịt lợn, gạo… Gia chủ phải chuẩn bị sẵn tối thiểu một đôi lợn (một đực, một cái) để mổ tế lễ ngay trong một ngày trước đó.

Tranh phong sắc

Bé trai được thay bộ đồ lễ với chiếc mũ mỏ quạ và áo thụng, ngồi xuống trước những tấm tranh phong sắc. Trong một lễ lập tĩnh tối giản nhất có 6 tấm tranh cấp sắc với hình ảnh của các vị thần, thánh theo quan niệm dân gian. Người ta tin rằng họ sẽ bảo mệnh cho đứa bé suốt đời. Theo đó, lễ lập tĩnh là cuộc trình diện của đứa bé trước các thần thánh để cảm tạ và tin nhờ.

Để giữ trọn vẹn tính thiêng liêng của buổi lễ, khoảng một tháng trước đó, tất cả những người hành lễ đều phải ăn chay, tránh xa quan hệ nam nữ và tắm rửa thường xuyên. Đặc biệt vì nghi lễ chỉ dành cho nam giới, nên những người vợ, người bà vẫn giữ nếp sinh hoạt bình thường.

Thầy mo – thầy cúng

Các thầy mo tiến hành đọc kinh tẩy uế, cầu an cho đứa trẻ, trong khi các thầy cúng thực hiện các nghi thức xuyên suốt. Hoàn thành thủ tục tẩy uế, thầy cúng sẽ đi một vòng quanh đứa bé và tiến hành thụ đèn. Đèn là một cây nến dựng đứng trên đáy bát cơm, tổng cộng 3 đèn được đặt tại lên vai và đầu đứa bé.

Lúc này các thầy mo tiếp tục đọc kinh, còn thầy cúng sẽ gieo thẻ xăm để chọn ra cái tên phù hợp. Thẻ xăm được làm từ hai nửa ống tre. Trước hết các thầy sẽ chọn tên, rồi gieo thẻ. Quẻ gieo thành công là phải đủ hai lần với hai mặt sấp và hai mặt ngửa cùng lúc, chứng tỏ cho sự đồng tình từ thần linh, từ nay đứa bé sẽ mang một cái tên mới, cùng với tên khai sinh.

Ý nghĩa buổi lễ

Nam giới đã qua lễ lập tĩnh sẽ có vai vế khác hẳn. Người Dao Tiền đánh giá sự trưởng thành không thông qua tuổi tác mà bằng ngày lễ lập tĩnh. Một đứa trẻ khi đã được đặt tên, sẽ có quyền ăn mâm trên và tham gia họp làng. Trong khi đó, những người già, người trung niên nếu chưa qua lễ lập tĩnh vẫn phải chung mâm với đám trẻ chưa được đặt tên và không có quyền ra quyết định lớn.

Kết thúc lễ, những người dự được gia chủ mời nhiều món đặc sản như thịt chua, rượu hoẵng – hai thức quý chỉ được đãi khách vào ngày lập tĩnh. Rượu hoẵng là loại rượu ủ đặc sản của người Dao Tiền, có vị thơm nhẹ, được chất trong kho cả năm trước khi dỡ ra mời khách. Còn thịt chua là một món ăn khác lạ đối với người Kinh. Loại thịt này phải ủ trong gạo lên men suốt 3 năm, chờ ngày lễ lớn mới được mở ra. Thịt có vị mặn, rất thích hợp ăn cùng rau thơm và rượu.