Khám Phá Trương Gia Giới – Chốn Bồng Lai, Nơi Tiên Cảnh

Trương Gia Giới thuộc địa phận tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Đây là thiên đường du lịch ở Trung Quốc với vô số cảnh đẹp thần tiên: từ núi non, sông nước hữu tình đến những thung lũng nên thơ, khu rừng nguyên sinh hoang dã. Đặc biệt, với rừng đá sa thạch hùng vĩ, Trương Gia Giới còn được mệnh danh là “Pandora trên Trái đất”…

1. Lịch Sử Trương Gia Giới

Địa giới ngày nay của địa cấp thị Trương Gia Giới vào thời nhà Tần thuộc quận Kiềm Trung. Thời kỳ từ Hán tới Tam Quốc thì các lãnh thổ của 2 quận Vĩnh Định, Vũ Lăng Nguyên và huyện Tang Thực thuộc quận Vũ Lăng.
Thời kỳ nhà Đường thuộc đạo Sơn Nam. Thời Ngũ đại Thập quốc thuộc nước Sở. Thời nhà Tống thuộc quận Lễ Dương. Thời nhà Nguyên thuộc tổng quản phủ Lễ Châu lộ.
Năm Hồng Vũ thứ 2 (1369), giáng châu Từ Lợi xuống thành huyện Đại Dung thuộc Lễ Châu. Năm Ung Chính thứ 8 (1730), cho thi hành chế độ thổ ti đối với các dân tộc thiểu số, thăng Lễ Châu lên thành châu do chính quyền trung ương trực tiếp cai quản (trực hạt châu). Châu này bao gồm các huyện An Hương, Thạch Môn, Từ Lợi. Bỏ hai vệ Vĩnh Định, Cửu Khê, lập huyện An Phúc (bao gồm các khu vực ngày nay thuộc 2 quận Vĩnh Định, Vũ Lăng Nguyên cùng 2 huyện Từ Lợi, Tang Thực).
Năm 1916, thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, bỏ đạo Vũ Lăng và đưa các huyện Đại Dung, Từ Lợi, Tang Thực vào đạo Thần Nguyên. Khi đó toàn tỉnh Hồ Nam có 10 đốc sát khu, với Đại Dung và Tang Thực thuộc đốc sát khu số 4 có trung tâm hành chính đặt tại Thường Đức. Từ năm 1949 cho tới năm 1988 thì huyện Từ Lợi thuộc chuyên khu Thường Đức (sau đổi thành địa khu). Hai huyện Đại Dung và Tang Thực từ năm 1949 tới 1952 thuộc chuyên khu Vĩnh Thuận, sau đó thuộc khu tự trị người Miêu Tương Tây (nay là Châu tự trị người Thổ Gia, người Miêu Tương Tây).
Tháng 5 năm 1985, bỏ huyện Đại Dung lập huyện cấp thị Đại Dung. Ba năm sau huyện cấp thị Đại Dung được nâng cấp thành địa cấp thị. Ngày 4 tháng 4 năm 1994, đổi tên địa cấp thị Đại Dung thành địa cấp thị Trương Gia Giới. Lấy từ châu Tương Tây hai huyện Đại Dung và Tang Thực còn từ địa cấp thị Thường Đức là huyện Từ Lợi cho địa cấp thị mới này

2. Địa lý, khí hậu Trương Gia Giới

Tour Du Lịch Phượng Hoàng Cổ Trấn Trung Quốc Giá Hấp Dẫn

Trương Gia Giới nằm trong khu vực có khí hậu cận nhiệt đới vùng núi ẩm ướt. Nhiệt độ trung bình khoảng 16 °C, lượng mưa hàng năm trung bình khoảng 1.400 mm. Địa hình chủ yếu là miền núi (khoảng 76% diện tích) với phía tây bắc cao và thoải dần xuống phía đông nam. Điểm cao nhất đạt 1.890,4 m, điểm thấp nhất đạt 75 m, khu vực đô thị thủ phủ cao khoảng 183 m so với mực nước biển. Độ cao trung bình toàn địa cấp thị là 1.000 m.
Phía đông giáp huyện Thạch Môn, Đào Nguyên của địa cấp thị Thường Đức. Phía nam giáp huyện Nguyên Lăng của địa cấp thị Hoài Hóa. Phía bắc là huyện Hạc Phong và huyện Tuyên Ân (thuộc châu tự trị Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc). Phía tây là châu tự trị Tương Tây. Theo hướng đông – tây dài nhất khoảng 167 km, theo hướng bắc-nam rộng nhất khoảng 96 km.

3. Những điểm đến nổi bật Trương Gia Giới

Avatar Hallelujah – Cột trụ trời Nam

Avatar Hallelujah đời thực

Tên gọi Avatar Hallelujah ra đời sau bộ phim bom tấn Hollywood – Avatar của đạo diễn James Cameron.

Không phải ngẫu nhiên mà “cột trụ trời Nam” lại có tên gọi này. Mà chính bởi cột trụ cao 1080m này cùng hơn 3000 cột trụ trong khu vực đã gợi cảm hứng cho những đỉnh núi cheo leo trong bộ phim này.

Có thể nói Avatar Hallelujah là đỉnh núi cao nhất trong quần thể các đỉnh núi ở Trương Gia Giới.

Huyền ảo “cột trụ trời Nam”

Đứng trước đỉnh núi này, bạn sẽ cảm thấy được sự kỳ diệu và hùng vĩ của tạo hóa cũng như sự nhỏ bé của con người. Và đến với ngọn núi này, bạn lại sục sôi sức chiến đấu mãnh liệt trước những khắc nghiệt của cuộc sống.

Thiên Môn Sơn – đường dẫn tới cổng trời

Thiên Môn Sơn – đường tới cổng trời

Núi Thiên Môn Sơn được đặt tên theo mái vòm được hình thành một cách tự nhiên bởi sự xói mòn của lớp đá vôi. Đường đến Thiên Môn Sơn có thể ví như đường lên trời bởi rất khó đi.

Để đến được Thiên Môn Sơn, bạn phải vượt qua 99 khúc quanh và leo 999 bậc thang để lên đến mái vòm ở Thiên Môn Sơn. Mài vòm Thiên Sơn Môn cao 130m và rộng 57m, đứng ở đây bạn có thể cảm nhận được sự bao la của đất trời, đặc biệt vào những hôm mây mù bao phủ, đỉnh Thiên Môn Sơn trở nên mông lung, huyền ảo như vùng đất Thánh và càng xứng đáng với danh xưng “Cổng trời” của nó.

Tuy nhiên, ngày nay việc bước chân lên khu vực cổng trời này đã trở nên đơn giản hơn bởi hệ thống cáp treo dài hơn 7,5km – hệ thống cáp treo dài nhất thế giới. Bạn vẫn phải leo 999 bậc thang thì mới có thể ghé thăm cánh cổng trời này, điều này làm cho cổng trời giữ được ý nghĩa linh thiêng của nó.

Một trải nghiệm nữa, bạn không thể bỏ qua tại Thiên Môn Sơn đó là bước chân trên con đường kính dài 80 m được xây dựng theo vách núi trên gần đỉnh núi của Thiên Môn Sơn. Đi trên cầu kính này, bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đứng trên mây và nhìn ngắm cảnh vật phía dưới. Và tất nhiên thử thách này không dành cho những người yếu tim đâu nhé.

Thiên hạ đệ nhất kiều – Cây cầu khóa nhân duyên

Những chiếc khóa nhân duyên ở thiên hạ đệ nhất kiều

“Thiên hạ đệ nhất kiều” là cây cầu đá được hình thành tự nhiên bắc qua hai đỉnh núi thuộc địa phận Trương Gia Giới. Điều đặc biệt của cây cầu không chỉ bởi cách hình thành độc đáo của nó mà còn bởi truyền thuyết nhân duyên của cây cầu này.

Tương truyền, chỉ cần đôi tình nhân yêu nhau cùng nhau nắm tay đi hết cây cầu, cùng nhau khóa chiếc khóa trên thành cầu và ném chìa khóa xuống vực sâu phía dưới thì sẽ yêu thương, gắn bó nhau cả đời, keo sơn không gì thay đổi được như những chiếc khóa chắc chắn nằm vững trên thành cầu.

Chính bởi truyền thuyết này, mà hàng năm có rất nhiều những đôi tình nhân đã đính ước nhân duyên trên chiếc cầu và cây cầu cũng ngày càng đặc biệt bởi số lượng khóa tăng lên không ngừng. Những chiếc khóa được treo kín trên thành cầu và thậm chí còn kéo dài đến hành lang quanh cầu.

Nếu không cầu nhân duyên, bạn vẫn nên đến tham quan cây cầu này, bởi tại độ cao này bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh của Trương Gia Giới và bên tai là tiếng leng keng khe khe của những chiếc khóa va chạm vào nhau.

Uyên Ương thác, Bảo Phong hồ – Vẻ đẹp tú lệ

Uyên ương thác- thác nước đầy chất thơ

Đối lập hoàn toàn với những cột trụ trời sừng sững, hùng vĩ trong khu công viên Trương Gia Giới, Uyên ương thác lại mang một vẻ đẹp đầy chất thơ và yên bình.

Thác nước cao hơn 100m này lại có những dòng chảy rất nhẹ nhàng, làn nước xanh trong mát cùng quang cảnh hữu tình xung quanh.

Nét tĩnh lặng của Bảo Phong hồ

Bảo Phong hồ là nơi hứng trọn những con nước đổ xuống từ Uyên Ương thác, mặt hồ tĩnh lặng, dòng nước êm đềm hờ hững trôi. Du khách cũng có thể ngồi trên những con thuyền chạy dọc theo cánh rừng ven hồ để ngắm nhìn vẻ đẹp nơi đây.

Điều đặc biệt của Bảo Phong hồ là màu nước hồ, đó không phải là màu xanh lam của da trời mà nhuộm màu xanh lục của những cây là ven hồ tạo nên một nét đẹp độc đáo, riêng biệt.

Bạn có thể lựa chọn bất kỳ thời gian nào đến thăm quan Trương Gia Giới vì mỗi mùa ở Trương Gia Giới lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Và bất cứ vẻ đẹp nào của Trương Gia Giới cũng đủ sức mê hoặc bạn.

Trung Sơn
Nguồn ảnh internet