Khám phá các địa danh xuất hiện trong hộ chiếu mới của Việt Nam
Từ ngày 1.7, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân. Mẫu hộ chiếu mới gồm 50 trang, được thiết kế công phu và in hình ảnh những địa danh nổi tiếng, đặc trưng nhất của Việt Nam. Theo đó, bìa màu xanh lá được chuyển sang xanh tím. Các thủ tục cấp, đổi vẫn giữ nguyên như hộ chiếu cũ.
Hộ chiếu vẫn giữ nguyên kích thước, chiều ngang 8,8 cm, dài 12,5 cm và dày khoảng 0,75 cm. Những trang bên trong của hộ chiếu mới cũng có một số thay đổi.
Thay đổi lớn nhất là mỗi trang đều có hình ảnh phong cảnh là các biểu tượng du lịch của Việt Nam. Các di sản văn hoá nổi tiếng, hình tượng về chủ quyền quốc gia xuất hiện trong hộ chiếu là: vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú, Văn Miếu – Quốc Tử Giám… Đổi mới này góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và thể hiện truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới bởi hàng nghìn hòn đảo kỳ vĩ và sống động. Là điểm thu hút khách du lịch hàng đầu, nơi đây mang vẻ đẹp mê hoặc của những đỉnh núi đá vôi được bao bọc bởi vùng biển xanh ngát
Phố cổ Hội An (Quảng Nam) là một cái nôi văn hóa, lịch sử với nét đẹp cổ kính và thơ mộng không thể chối từ. Khu phố cổ vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ với những ngôi đền, phố xá, nhà cửa, hàng quán. Chính sự xưa cũ này là một trong các lý do níu chân khách du lịch khi đến Hội An
Mỗi địa danh chiếm hai mặt trang. Trong ảnh là Khuê Văn Các, nằm trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là một công trình nhỏ nhưng có kiến trúc đặc sắc mang âm hưởng của triều Nguyễn. Khuê Văn Các là biểu tượng của thủ đô Hà Nội, xuất hiện trên biển tên đường phố của nội đô.
Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Đây còn được gọi là cố đô do từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều Nguyễn từ 1805 đến 1945. Kinh thành được xây dựng trên một diện tích hơn 500 ha trong ba vòng thành theo thứ tự Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Vua Gia Long cho xây kinh thành từ năm 1805, đến năm 1832 dưới thời vua Minh Mạng mới hoàn thành.
Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) nằm trong một thung lũng có đường kính khoảng 2 km, xung quanh là đồi núi. Nơi đây được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999. Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chăm Pa. Ngày nay, du khách có thể đến đây để hành hương và tham quan những công trình kiến trúc cổ
Cổng tò vò là địa danh rất thu hút du khách khi đặt chân đến đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Cổng cao khoảng 2,5 m, hình thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi vẻ hoang sơ, không có sự tác động của con người. Đứng ở cổng, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của khu làng chài sung túc ở phía bắc, núi Giếng Tiên ở phía Nam
Đền Hùng ở Phú Thọ là nơi mọi người Việt đều hướng về mỗi dịp giỗ Tổ. Đền thờ vua Hùng, những người có công dựng nước. Đây là khu di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan trọng của quốc gia, nằm trên núi Nghĩa Lĩnh có độ cao 175 m so với mặt nước biển, thuộc đất Phong Châu vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước.
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang là biểu tượng cực Bắc của Việt Nam, có lá cờ cao 9 m. Hình ảnh cột cờ cũng xuất hiện trong trang số 9 của cuốn hộ chiếu mới. Nơi đây có độ cao khoảng 1.470 m so với mặt nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Cột cách cực Bắc khoảng 3,3 km. Nơi đây được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội nhưng kích thước nhỏ hơn.
Đỉnh Fansipan thuộc Lào Cai, cách thị xã Sa Pa khoảng 9 km, xuất hiện trên hộ chiếu cùng với hình ảnh cột mốc, thể hiện sự hùng vĩ của nóc nhà Đông Dương. Đỉnh cao 3.147 m, là đích đến của nhiều người leo núi và săn mây. Nếu không đủ khả năng để tự leo, du khách có thể đi cáp treo lên tận nơi.