Hành trình chinh phục cột mốc biên giới 79 cao nhất Việt Nam

Khám phá đỉnh Khang Su Văn

Đỉnh Khang Su Văn còn có tên gọi khác là Phàn Liên San hay U Thái San. Nằm ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đỉnh Khang Su Văn cao 3.012 m, là ngọn núi cao thứ 5 ở Việt Nam.

Theo anh Mạnh Chiến, quản trị viên của Diễn đàn Hội Đam mê leo núi với hơn 35.000 thành viên, cung leo Khang Su Văn có tổng chiều dài khoảng 20 km được dân leo núi chinh phục lần đầu vào giữa năm 2015. Cung leo nhanh chóng trở thành điểm đến của dân trekking do đi qua khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái độc đáo và cột mốc biên giới 79, cột mốc cao nhất toàn tuyến biên giới của Việt Nam.

Sau hai lần hoãn leo vì Covid-19, đoàn 30 người từ mọi miền của Tổ quốc lên đường chinh phục Khang Su Văn trong 2 ngày 1 đêm vào giữa tháng 4, trước khi mùa leo núi tạm nghỉ.

Bắt đầu hành trình

Chúng tôi thuê hai xe ôtô xuất phát từ Sa Pa lúc 5h sáng đi 140 km để tới đồn biên phòng Vàng Ma Chải. Sau khoảng 5 tiếng gồm cả thời gian ăn sáng dọc đường, xe đến đồn biên phòng, mọi người vào làm các thủ tục cần thiết trước khi leo: khai báo y tế, trình giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu.

Sau đó, chúng tôi gặp nhóm người dẫn đường và gùi đồ địa phương (thường được gọi là porter). Cả đoàn phân chia đồ đạc và xuất phát lúc 10h30 theo kế hoạch. Leo núi được 3 tiếng, mọi người dừng chân bên một ngọn thác lớn để nghỉ và ăn trưa. Sau khoảng 45 phút lại tiếp tục lên đường. Lúc này các porter mang đồ của cả đoàn đã đi trước để tới điểm dừng chân sớm chuẩn bị bữa tối cũng như dựng lều.

Đến chiều, nhóm khách leo đầu tiên đến khu lán nghỉ lúc 15h30. Những người đi cuối cùng có mặt sau khoảng một tiếng. Lán nghỉ nằm cạnh một con suối nhỏ trong một thung lũng ở độ cao 2.600 m.

Gặp gỡ người dân tộc

Tại đây có một lán nương nhỏ được bà con người dân tộc dựng để trồng và thu hoạch thảo quả. Lán nhỏ không đủ cho 30 du khách và 17 porter nên các porter đi trước đã dựng thêm lều cho đoàn ngủ đêm.

Tất cả tranh thủ ăn tối lúc 18h30, nhanh chóng đi ngủ để chuẩn bị cho chặng leo gian nan nhất hành trình – vượt “dốc 3h” theo cách gọi của dân địa phương.

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ dậy vào 4h, ăn sáng rồi xuất phát đến cột mốc biên giới lúc 5h. Tuy nhiên, đêm đó trời mưa rất to, mọi người buộc phải đợi ngớt mưa mới có thể lên đường lúc 6h30. Trời không còn mưa, nhưng mây mù và sương nặng hạt khiến đường trơn trượt rất nguy hiểm, khó đi.

Dốc 3h là con dốc mà dân địa phương leo mất khoảng 3 tiếng, người leo núi bình thường sẽ tốn 4 – 5 tiếng. Đường trơn, dốc cao dựng đứng liên tục. Địa hình có nhiều đất đá nên đoàn phải chia ra, không leo cùng lúc để tránh đá lở. Trên đường, qua bộ đàm, chúng tôi được báo 5 người trong đoàn quyết định không leo tiếp, bởi lượng sức không vượt được con dốc này. Các porter đưa họ trở về lán nghỉ đợi đoàn leo xuống.

Tiến vào rừng nguyên sinh

Khoảng một tiếng sau khi leo, trườn, bò và bám vào cây để đi, chúng tôi bắt đầu bước vào rừng nguyên sinh với những thân cây khổng lồ được rêu phủ kín, như đang lạc vào một thế giới huyền ảo. Sương mù che tầm mắt, cùng tiếng gió rít, làm cho khung cảnh càng thêm ma mị.

3,5 tiếng leo liên tục xuyên rừng trong sương mù và gió rít nhóm đầu tiên đã chạm được tới cột mốc 79 trên một sườn núi cao. Cảm giác vỡ òa hạnh phúc, bởi chúng tôi đã vượt qua một chặng đường khó khăn dài như bất tận. Cột mốc này làm bằng đá hoa cương được cắm ngày 24/10/2004 nằm ở trên độ cao 2.880,69 m, có tọa độ địa lý 22°45′ 14,145″ vĩ độ Bắc, 103°26′ 08,476″ kinh độ Đông. Đây chính là cột mốc biên giới cao nhất trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam.

Thời tiết khắc nghiệt

Nhiệt độ lúc này chỉ 5 – 7 độ C, gió mạnh nên chúng tôi tranh thủ chụp ảnh ở cột mốc rồi tiếp tục đường lên đỉnh Khang Su Văn cách đó khoảng 200 m. Đoạn từ cột mốc 79 lên đỉnh khá khó đi, phải xuyên qua rừng trúc rậm rạp. Nhiều lúc các porter đi trước phải dùng dao chặt cành cây mở đường. Sau khoảng 30 phút leo từ cột mốc 79, tức sau 4 tiếng 15 phút leo tính từ khu lán nghỉ, nhóm đầu tiên đã chạm tay vào chóp inox đặt trên đỉnh núi.

Trời bắt đầu mưa nhẹ, gió và lạnh. Nhiệt độ thấp, độ ẩm cao và sương nặng hạt khiến cho toàn bộ đồ mặc trên người tôi đều bị ướt. Đã nhiều lần chinh phục các đỉnh núi cao nhưng đây là lần đầu tiên tôi leo núi mà cơ thể không nóng toát mồ hôi.

Hành trình vội vàng

Khi đã check-in trên đỉnh Khang Su Văn, chúng tôi quyết định rời đi ngay mà không đợi các nhóm khác, để tránh bị cảm lạnh. Đường đi xuống, mọi người động viên các thành viên khác của đoàn đang đi lên để họ dốc sức chinh phục cột mốc 79 và đỉnh Khang Su Văn.

Nhóm tôi về tới khu cắm trại lúc 14h30 chiều. Sau khi nghỉ ngơi và ăn để nạp thêm năng lượng rồi nhanh chóng đi xuống núi luôn.

Nhóm đầu tiên của đoàn 30 người xuống tới đồn biên phòng là 18h và nhóm cuối cùng là 21h. Tất cả đã lên xe di chuyển về Sa Pa để ăn tối và nghỉ ngơi trước khi lên đường về Hà Nội, hoàn tất hành trình ấn tượng chinh phục cột mốc biên giới 79 và đỉnh Khang Su Văn hùng vĩ.