Hai nhà tù nổi tiếng hút khách du lịch tại miền Nam
Nhà tù Côn Đảo
Lịch sử hình thành
Ngày 1/2/1862, Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo – “địa ngục trần gian” (nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là một hệ thống nhà tù với nhiều khu vực biệt giam, chuồng cọp. Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1, trại Cộng Hòa, trại 2, trại Phú Hải) rộng hơn 12.000 m2 gồm 10 khám lớn (phòng giam lớn), 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá.
Cùng với nhà tù Phú Quốc, đây là một trong những địa điểm giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Tại mỗi phòng giam, lúc cao điểm có đến hàng trăm người bị gông cùm, xiềng xích. Cai ngục thực dân dùng nhiều hình thức tra tấn từ thể xác đến tinh thần đối với các chiến sĩ.
Về cấu trúc, các công trình đều có hệ thống tường đá kiên cố bao quanh, cao từ 4 đến 5 mét, bên trong là các khám giam xếp theo dãy và có nhiều phòng. Ngoài ra nhà tù có nhiều hầm tối, hệ thống xà lim xây bằng đá kiên cố, các lối ra vào đều phải đi qua 2 lần cửa sắt.
Năm 1930, nhà tù có 4 trại giam chính, về sau, trại giam được mở rộng do số tù nhân ngày càng nhiều. Ngoài ra, thực dân Pháp vẫn duy trì các sở Đầm, sở Tiêu, sở Chi Tồn, sở Lưới để các tù binh cấy cày trồng trọt, lấy đá, đốn cây, lấy san hô, dọn tàu thủy, xay lúa, đan dụng cụ đánh bắt cá…
Điểm tham quan lịch sử của đất nước
Và hiện nay, Côn Đảo đang là một quần đảo thiên đường với vẻ đẹp quyến rũ và đầy bí ẩn về một địa ngục trần gian. Nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt cần được bảo tồn và phát triển. Lịch sử đã qua đi để cho đến hôm nay, lớp lớp người con Việt Nam mỗi khi nhắc đến Côn Đảo thì ai cũng đều phải thổn thức. Mong muốn một lần được đến Côn Đảo để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những mất mát đau thương mà chiến tranh mang lại vĩnh viễn nằm lại ở Côn Đảo.
Có rất nhiều du khách đến với Côn Đảo từng là các cựu tù từng bị giam cầm ở đây. Những du khách này được Chính phủ Việt Nam hỗ trợ và tạo các tour du lịch cho các cựu tù này tới đảo như muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh của họ.
Nếu bạn dự định tới đây thì có thể dễ dàng mua vé tàu đi Côn Đảo hoặc đặt tour vé máy bay cũng được. Du lịch tới Côn Đảo không chỉ là để nghỉ dưỡng, thư giãn với hệ động thực vật phong phú, sóng và gió biển mát mẻ mà còn là tìm về với dòng lịch sử hào hùng, bất khuất của dân tộc. Và nó được thể hiện rõ nhất qua hệ thống di tích nhà tù Côn Đảo kiểu Pháp, Mỹ vẫn lưu giữ tại đây.
Trại giam Phú Quốc
Lịch sử hình thành
Cũng được mệnh danh là địa ngục trần gian, Trại giam Phú Quốc hoạt động từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973, nơi này giam giữ khoảng 40.000 tù binh. Di tích này còn có tên gọi là nhà lao Cây Dừa, nằm ở thị trấn An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, tổng diện tích khoảng 400 ha, chia thành 12 khu với gần 500 ngôi nhà. Xung quanh các khu đều có vọng gác canh giữ xuyên ngày đêm, ngoài ra còn có thêm các vọng gác lưu động, chiếu đèn sáng toàn khu trại.
Mỗi phân khu đều có chuồng cọp, 04 phân khu có nhà biệt giam. Các nhà giam xây dựng với vách, mái, cửa đều bằng tôn thiếc, nền bằng đất tráng xi măng để tránh tù binh đào hầm vượt ngục. Xung quanh mỗi phân khu là 04 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động, đèn chiếu sáng toàn khu trại.
Toàn trại được bao bọc bởi dãy kẽm gai dày chằng chịt 7 đến 10 lớp; vùng bao quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một vành đai trắng bao bọc, cách ly với bên ngoài. Tuy nhiên, với tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, các tù binh tại Trại giam Phú Quốc đã tổ chức thành công 45 cuộc vượt ngục dưới nhiều hình thức: vượt rào, đánh lính áp giải khi ra ngoài làm việc khổ sai, đào hầm ngầm…
Điểm tham quan du lịch
Hiện tại, di tích còn lại một số hạng mục như cổng tiểu đoàn 8 quân cảnh, nghĩa địa tù binh, nhà thờ Kiến Văn, một số hạng mục ở phân khu B2 được phục dựng lại như vọng gác, hàng rào kẽm gai, chuồng cọp kẽm gai, dãy nhà dùng làm nơi ở, sinh hoạt, giam giữ, tra tấn tù binh…
Năm 2014, di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Hàng năm, nơi này đón hàng chục nghìn khách tham quan, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất cho các thế hệ.