Cốm – Món ăn đặc trưng đậm chất văn hóa Hà Nội
Hà Nội đã vào thu, tiết trời mát mẻ, cũng là thời điểm có nhiều món ăn ngon mà người thủ đô luôn tự hào, trong đó có cốm. “Giờ cốm được bán quanh năm rồi, nhưng cứ đến mùa thu người ta mới hay nghĩ đến cốm để mua, nên cứ khoảng thời gian này cốm bán chạy lắm”, cô Thành, một người làm cốm ở làng Vòng, vừa nói vừa thoăn thoắt gói cốm để bán cho khách.
Vụ cốm mùa thu kéo dài khoảng 3 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 7 Âm lịch. Khi ấy, đất trời bắt đầu chuyển tiết sang thu, không khí dịu nhẹ, không nóng như mùa hè, không quá lạnh như mùa đông nên phù hợp để ăn một món thanh cảnh như cốm. Cốm là một món ăn có màu sắc và mùi hương dễ chịu. Đó là màu xanh mát của nước lá lúa non nhuộm cho những hạt cốm và là mùi thơm thoang thoảng của lá sen bọc bên ngoài, là mùi hương bùi của những hạt gạo được xay, giã tỉ mỉ. Cốm tươi và ngon phải có màu xanh của mạ già pha ánh vàng chứ không quá xanh mướt.
Nguồn gốc món cốm
Từ xưa, các cụ nhà ta đã có câu
“Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương bần, húng Láng còn gì ngon hơn”
Theo các bậc cao niên kể lại, cốm làng Vòng bắt đầu từ cách đây cả ngàn năm. Một hôm khi sữa lúa bắt đầu đọng hình, cây lúa uốn câu thì chợt trời mưa bão tầm tã. Đê vỡ, nước sông tràn vào, nhấn chìm đồng ruộng trong nước sâu. Khắp nơi mất mùa, đi kém rập rình, than khóc vang trời.
Những người không nỡ để công sức bao tháng ngày của mình bị đổ hết đi, họ liền ra các ruộng lúa đã ngã rạp, mò lấy những bông lúa non, về đem rang khô ăn dần chống đói. Thật may là cái thành phẩm có phần bất đắc dĩ đó, không những cứu nạn cả làng mà còn có vị rất hấp dẫn, ngọt ngọt, dẻo dẻo lại thơm lạ thơm lùng. Vì thế, mỗi năm khi lúa bắt đầu tròn hạt, người dân làng Vòng lại cắt lúa về để ăn lai rai cho vui miệng.
Đa dạng cách ăn và chế biến từ cốm
Thông thường, cốm thường được bốc từng miếng để ăn, hoặc vo lại thành nắm nhỏ. Thưởng thức cốm phải chậm rãi, thanh cảnh vì không ai ăn cốm để no. Người Hà Nội thường ăn cốm cùng chuối để cảm nhận được vị bùi hoà lẫn với vị dẻo, ngọt của cốm. Cốm thường được ăn trực tiếp trong gói bóc từ lá sen, không đổ ra bát đĩa. Khi cốm có dấu hiệu bắt đầu khô và cứng lại, ta có thể chế biến cốm thành nhiều món ăn khác như với trứng, với thịt hay xào cốm với đường.
Người sành ăn, không bao giờ mua quá nhiều cốm, họ chỉ mua từng chút một, tầm 1 đến 2 lạng nhâm nhi dần. Bởi, cốm ấy, giữ độ dẻo chỉ có tầm ngót nghét 1 ngày, không có chất bảo quản nên để lâu cũng khó.
Qua nhiều năm biến động, phát triển, người dân không những biết làm ra hạt cốm ngon, mà còn biết làm cho món ăn thêm dẻo, thêm xanh, thêm thơm. Danh hiệu cốm làng Vòng ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành cái tên gắn liền với tuổi thơ biết bao con người Hà Nội.
Ảnh hưởng của dịch bệnh với nghề làm cốm
Mùa thu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch, vụ cốm có vẻ ảm đạm hơn các năm trước. Tuy nhiên, tại làng Vòng, nơi nổi tiếng nhất Hà Nội về sản xuất và làm cốm, tiếng giã chày vẫn rộn ràng, khiến không khí mùa thu của thủ đô vẫn mang được nét đặc trưng. Hiện tại, chỉ còn khoảng chục hộ trong làng còn giữ nghề làm cốm. “Năm ngoái vào mùa thu có hôm đỉnh điểm bán được 80 kg/ngày, nhưng năm nay vẫn chưa ngày nào đạt được con số này. Do dịch bệnh nên vụ cốm bị ảnh hưởng khá nhiều. Ví dụ, mọi năm khách ở trong miền Nam đặt nhiều, năm nay thì khó khăn hơn”, cô Thành, chủ tiệm cốm lớn ở ngay cổng làng, cho biết.
Khi cô Thành mở lớp lá sen đậy phía trên để lấy cốm, mùi hương nhẹ nhàng lan toả khắp nơi, nịnh mũi những khách hàng đang chờ đợi được thưởng thức món quà của mùa thu. Không chỉ là món ăn vặt tao nhã, cốm cũng phù hợp để làm quà biếu. Tặng cốm cũng giống như cách ta cùng nhau chia sẻ mùa thu – mùa gây thương nhớ, mùa của những bài ca bất hủ về Hà Nội…