Ẩm thực ngày Tết ở các nước Đông Bắc Á có gì đặc biệt?
Tương tự như Việt Nam, các quốc gia Đông Bắc Á cũng có những món ăn truyền thống để ăn vào dịp Tết cổ truyền. Đây là một hình thức rước tài lộc và may mắn trong những ngày đầu năm mới trên nước bạn và cũng là một cơ hội để du khách trải nghiệm tinh hoa ẩm thực khi nao nức đón Tết cổ truyền ở các nước Đông Bắc Á. Có thể kể đến các món như là sủi cảo của Trung Quốc hoặc quây quần bên những khay Osechi… Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu với các bạn về ẩm thực ngày Tết ở Đông Bắc Á xem có gì đặc biệt nhé.
Canh bánh gạo Tteokguk, Hàn Quốc
Nếu ngày Tết ở Việt Nam có bánh chưng, bánh tét thì tại Hàn Quốc cũng có một món không thể thiếu trên bàn ăn trong những ngày này – canh bánh gạo Tteokguk.
Món ăn này được trình bày bằng cách thái mỏng như hình dáng đồng tiền xu của Hàn, hàm ý mang lại sự dồi dào về mặt tài chính cho mọi người khi ăn. Ngoài ra thì sắc trắng của bánh gạo còn tượng trưng cho khởi đầu của một năm mới tốt lành.
Thế nên, nếu đến Hàn Quốc vào dịp này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh buổi sáng mùng Một, mọi thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau và thưởng thức món canh bánh gạo Tteokguk để cầu chúc một năm mới nhiều sức khỏe, may mắn và tài lộc.
Ẩm thực ngày Tết Mông Cổ
Tsagaan Sar là lễ đón Tết Âm lịch của người Mông Cổ, đã có lịch sử hàng nghìn năm, với nhiều hoạt động văn hóa thú vị và những món ăn hấp dẫn.
Đất nước Mông Cổ với diện tích hơn 1,5 triệu m² với phần lớn là thảo nguyên, đồi núi và sa mạc. Dòng máu chiến binh và hoang dã dường như luôn chảy mạnh mẽ trong huyết mạch của từng con người ở Mông Cổ. Điều đó càng thể hiện rõ qua văn hóa ẩm thực đặc sắc, từng món ăn, cách chế biến và trình bày của họ.
Vào buổi tối của ngày Bituun, các gia đình tụ họp, cùng ăn bơ sữa và bánh bao buuz để tiễn năm cũ. Thông thường, người dân sẽ giải quyết mọi vấn đề và trả hết nợ năm cũ trong ngày này.
Sủi cảo, Trung Quốc
Sủi cảo là món ăn đã có lịch sử từ rất lâu, xuất hiện từ 1.800 năm trước và được xem là thứ không thể thiếu trên mâm cơm của các gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Sủi cảo có hình dáng như những thỏi bạc, mang hàm ý rước tài lộc và đầy tiền bạc vào nhà. Nhân của sủi cảo cũng rất đa dạng. Nhân rau trộn thịt thì đồng âm với từ “có của” – mang ý nghĩa tốt lành vào đầu năm. Nhân ngọt thì tượng trưng cho năm mới luôn được ngọt ngào, tốt đẹp, còn nhân đậu phộng thì mang ý trường thọ.
Thế nên, nếu có cơ hội đi Trung Quốc vào những ngày Tết Nguyên đán, bạn nên thưởng thức món sủi cảo một lần để mong ước được rước nhiều tài lộc về nhà trong năm mới. Ngoài sủi cảo thì người Trung Quốc còn thường ăn món chè trôi nước trong những ngày này với mong muốn gia đình được hạnh phúc và viên mãn.
Cơm thuốc Yaksik, Triều Tiên
Tết của người Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói…
Trong văn hóa ẩm thực, cơm thuốc là một món không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên. Để chế biến cơm thuốc, người ta phải đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương… sau đó hấp chín.
Tổ tiên Triều Tiên xa xưa đã xem mật là vị thuốc nên họ gọi loại cơm này là cơm thuốc. Cơm thuốc thường được người địa phương dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên có quan niệm, nếu ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sung túc và may mắn.
Osechi, Nhật Bản
Người Nhật quan niệm ngày Tết là dịp để nghênh đón các vị thần, thế nên có rất nhiều món ăn được chế biến cho dịp này. Trong đó, món tiêu biểu nhất được gọi là “Osechi”. Đây là món ăn đã được chỉ định dùng trong dịp long trọng nhất năm từ thời Edo.
Trong tiếng Nhật, từ “Sechi” mang nghĩa “chuyển giao giữa từng mùa”, Osechi gồm nhiều khay chồng lên nhau, trong khay đầy ắp những món ăn mang ý nghĩa phúc lành, mang hàm ý là “hạnh phúc chồng hạnh phúc”.
Trước khi dùng Osechi, người Nhật thường chúc Tết nhau rồi cùng nhâm nhi rượu Otoso để cầu chúc cho một năm mới tốt đẹp. Trước đây thì Osechi phải do gia đình tự làm, nhưng bởi có những món để chế biến phải trải qua công đoạn công phu và tốn thời gian, cho nên ngày càng có nhiều người đặt mua ở những nơi chuyên cung cấp Osechi như nhà hàng, khách sạn.
Ngoài ra, ngày nay bên cạnh Osechi là những món ăn của Nhật thì còn có cả Osechi Âu hóa với thịt bò nướng, tôm càng, Osechi Trung Hoa với tôm chua cay, xíu mại…
Xem thêm: Review du lịch Đạo Thành Á Đinh – tiên cảnh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc.