Phong Tục Xin Chữ Đầu Năm – Nét Đẹp Văn Hóa Truyền Thống Việt Nam

Phong tục xin chữ đầu năm vốn là một nét đẹp văn hóa từ xưa của người Việt. Cứ mỗi độ Tết đến,ai nấy đều tới xin chữ ông đồ với những ước vọng về một năm mới thuận lợi, may mắn và bình an. Cùng Focus Asia Travel tìm hiểu về văn hóa này nhé
Dù cuộc sống có biết bao biến động đổi thay, hình ảnh các ông đồ với mực tàu, giấy đỏ, với chiếc khăn xếp, áo the trên phố quen thuộc vẫn xuất hiện. Người người, nhà nhà nô nức cùng nhau đi xin chữ, mong cầu năm mới tốt đẹp hơn. Đó là ước mơ, là hi vọng, là những mong mỏi của con người trong năm mới, những mong ước chính đáng và giàu tính nhân văn.

Lịch sử phong tục xin chữ đầu xuân năm mới

Không rõ tục xin chữ bắt nguồn từ khi nào, nhưng từ khi sự học phát triển, từ khi nhiều người mong muốn con cái mình có thêm cái chữ để mở mày mở mặt, tục xin chữ lại càng được nhiều người chú trọng.

phong tục xin chữ đầu năm

Xin chữ đầu năm cũng là một cách để người ta thể hiện sự coi trọng đạo học. Chỉ khi coi trọng đạo học, coi trọng người thầy giáo, người ta mới có được những bước tiến lớn hơn trên con đường học hành. Như ông cha ta đã kết tinh trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Con chữ, đặc biệt là chữ Nho rất được trọng vọng trong thời đại trước. Con chữ không chỉ là phương tiện thể hiện thông tin, nó còn thể hiện được cốt cách, phẩm giá của một con người.

Chẳng thế mà Nguyễn Tuân ngày trước đã miêu tả nét chữ của người tử tù bằng những lời lẽ đầy trân trọng. Người quản ngục khi xin chữ của ông Huấn Cao cũng khúm núm, hai tay bưng chậu mực, khuôn mặt đầy cung kính. Bởi đó là nét chữ của một bậc kỳ tài.

Sự thăng trầm của phong tục xin chữ đầu năm

Con chữ ngày Tết đến với dân Việt từ lâu, nhưng ghi chép của sử sách không đầy đủ, cách quãng, rất ít được thể hiện. Cách đây gần một thế kỉ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng nhìn thấy sự biến đổi của tục xin chữ trong cộng đồng. Ông đồ dần biến mất trong dòng chảy của thời đại, bài thơ “Ông đồ” xuất hiện nói lên câu chuyện đó:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Tục xin chữ – cho chữ truyền thống bị lãng quên gần hết thế kỷ XX, bởi Nho học như là một cản trở cho công cuộc Tây hóa và kinh dinh đất nước. Những ông đồ cho chữ, những người xin chữ vắng đi khắp nơi từ thị thành đến thôn quê, cứ tưởng tập tục này sẽ bị chôn vùi không có cơ may tái xuất hiện trong đời sống đương đại.
Nhưng thời gian trôi qua, tục xin chữ đang dần quay trở lại. Người ta dần phát hiện ra những điều đẹp đẽ trong phong tục này. Ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời.

Đầu năm nên xin chữ gì?

Tùy vào mục đích và mong muốn một năm của người xin chữ như thế nào mà họ sẽ xin chữ đấy. Người lớn thì thường thích các chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “An Khang”, “Cát Tường”, “Như Ý”,… với mong muốn cầu cho cuộc sống của họ bình an, hạnh phúc. Doanh nhân thì thích các chữ “Phát”, “Lộc”, “Tài”, “Vượng”,… mong cho việc làm ăn, kinh doanh được phát triển, thuận lợi.

phong tục xin chữ đầu năm

Nhiều người trẻ đang phấn đấu thì thích chữ “Chí”, chữ “Thành”, chữ “Đạt”, chữ “Đắc”, chữ “Nhấn”. “Chí” nghĩa là ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc”, “Đạt” là thỏa mãn mong muốn, nhu cầu, mục tiêu của mình,… Còn các cháu thiếu nhi, học sinh thì thường được bố mẹ, ông bà tặng cho chữ “Học”, “Hiếu”, “Nghĩa”, “Lễ”,… treo vào đầu bàn học với mong muốn có được sự lễ nghĩa, hiếu thảo, chăm chỉ học hành, cầu tiến,…

Dù trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, con người ta vẫn cố gắng gìn giữ lại những nét đẹp vốn có của truyền thống. Bởi đó là tinh thần, là linh hồn, là văn hóa của dân tộc. Cùng Focus Asia Travel giữ gìn và đừng đánh mất nét văn hóa – phong tục xin chữ đầu năm của dân tộc bạn nhé